(PLO)- Nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa, điện giật do sưởi ấm bằng điện và nhiễm độc khí than đốt do sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà kín... vào mùa lạnh rất cao, người dân cần cảnh giác đề phòng.
 
Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại kỷ lục, kéo dài hơn một tháng qua, có thời điểm nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ nhiều ngày liền. Tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều nơi nhiệt độ xuống 0 độ, có nơi âm độ như Mẫu Sơn, tuyết rơi ở nhiều nơi khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Rét hại kéo dài, Bộ Y tế cảnh báo nhiễm độc khí than - ảnh 1
Số bệnh nhi đến cơ sở y tế tăng trong những ngày miền Bắc rét đậm, rét hại. Ảnh: PV

Trẻ em, người già chịu ảnh hưởng nặng

Chỉ trong một tuần đã có ba vụ ngộ độc khí CO do sưởi than, điển hình nhất là vụ việc hai mẹ con ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đốt than củi để sưởi ấm trong phòng ngủ dẫn đến hôn mê bất động, phải cấp cứu.
 
Rét đậm, rét hại kéo dài, người già và trẻ em trở thành hai đối tượng chịu tác động nặng nề nhất về mặt sức khỏe.
 
Thống kế từ BV Nhi trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, khám cho khoảng 3.000-4.000 bệnh nhân, chỉ trong ngày 28-12-2020 (đầu mùa lạnh) đã có 4.358 bệnh nhân, một tuần sau đó (ngày 11-1) có hơn 3.174 người đến khám. 
 
Thời tiết lạnh, các bệnh thuộc nhóm hô hấp tăng và chiếm tỉ lệ cao nhất. Thời điểm lạnh đỉnh điểm, Trung tâm Hô hấp có 138 bệnh nhân/147 giường thực kê, trong khi đó tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng ở con số 147/170 giường thực kê.
 
Đại diện BV Lão khoa trung ương cho biết thời điểm bắt đầu mùa lạnh đến nay bệnh viện luôn có 300 bệnh nhân nội trú/ngày, 100 người trong số này điều trị tại Khoa cấp cứu và hồi sức tích cực. Với người già, đột quỵ là chứng bệnh đáng lo nhất khi thời tiết trở lạnh.
 
TS-BS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Nhi trung ương, cho biết ngoài những tác động của thời tiết, sai lầm trong cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ bị các bệnh về đường hô hấp.
 
Để phòng tránh các bệnh cho trẻ nói chung cũng như các bệnh về đường hô hấp, gia đình nên vệ sinh mũi, họng hằng ngày cho trẻ, giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, cũng như không để trẻ bị nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, khi cho trẻ ra ngoài, cha mẹ nên mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang cho trẻ phòng nhiễm lạnh ở mũi, miệng, phổi; quàng khăn ấm, đeo tất tay, tất chân, đội mũ cho trẻ.
 

Yêu cầu các cơ sở y tế luôn trong tư thế sẵn sàng 

Công điện của Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần bảo đảm cơ số thuốc điều trị và dự phòng cho người dân; bảo đảm tốt chế độ trực; tăng cường kiểm soát đối với các bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp…, đặc biệt ở người già và trẻ em. 

Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. 

 
Cẩn thận nhầm lẫn với COVID-19
 
Trước tình hình không khí lạnh liên tục tăng cường gây rét đậm, rét hại kéo dài tại nhiều địa phương, ngày 15-1 Bộ Y tế đã ban hành công điện gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.
 
Trong công điện, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc bộ phối hợp với các cấp, ngành địa phương tuyên truyền cảnh báo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống rét.
 
Cảnh báo để nhân dân biết, cảnh giác với nguy cơ cháy nổ, bỏng lửa, điện giật do sưởi ấm bằng điện và nhiễm độc khí than đốt do sưởi ấm bằng bếp than, củi trong nhà kín. Khuyến cáo người dân cần che chắn nhà cửa, giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nước uống; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn, để lâu ngày.
 
Các cơ sở y tế cần có hướng dẫn cho người dân các biện pháp chống rét và bảo vệ sức khỏe.
 
Đối với trẻ em cần giữ ấm chân, tay, ngực, cổ. Khi trẻ có các triệu chứng ho kéo dài 3-5 ngày kèm theo các triệu chứng sốt, đau ngực, khó thở cần đi khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. 
 
Với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi thì có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm, thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Đối với người già, cần tránh thay đổi đột ngột vị trí, tránh bị nhiễm lạnh, phòng chống đột quỵ. Khi thấy có những biểu hiện bất thường như nói ngọng, tê bì hoặc liệt nửa người, nhìn không rõ, đau đầu dữ dội…, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng (chú ý phân biệt với các triệu chứng của COVID-19).
 

 Chế độ dinh dưỡng phòng, chống bệnh hô hấp 

TS-BS Lê Thị Hồng Hanh cũng cho biết chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh hô hấp. Ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cha mẹ cũng cần bổ sung các loại vitamin hoặc những chất khoáng, ăn rau và hoa quả, uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. 

Một biện pháp phòng, tránh bệnh hô hấp hiệu quả là cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, tránh để trẻ tiếp xúc với những trẻ bị ốm, sốt, ho.

BÁCH AN