Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa thông tin: Bờ biển phía đông TP có chiều dài khoảng 16 km nhưng đang có đến sáu khu vực bị xói lở. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017 và 2018, tiếp tục trong thời gian từ cuối tháng 12-2020 đến đầu tháng 1-2021.
Bờ biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn xói lở nghiêm trọng từ cuối tháng 12-2020. Ảnh: TẤN VIỆT
Xói lở bờ biển ngày càng phức tạp
Theo ghi nhận của PV, xói lở nặng nhất là khu vực dọc theo dãy resort ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh hưởng của liên tiếp các cơn bão vào cuối năm 2020 khiến sóng ngoạm sâu hơn vào bờ. Nhiều hàng dừa cùng các công trình ven biển bị sóng cuốn trôi, gây hư hại, đe dọa các công trình kiên cố bên trong.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho hay xói lở bờ biển trên địa bàn thường xuất hiện hằng năm vào dịp cuối năm, mùa mưa bão.
Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng cho rằng tình trạng xói lở thường xuất hiện vào những ngày thời tiết xấu. Không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng lớn trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa đông bắc, ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển.
Đến mùa khô (mùa hoạt động của gió mùa tây nam) thì bãi cát được bồi trở lại. Đến khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hằng năm, bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất. “Do đó, bờ biển Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay tuy xuất hiện hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định” - Sở TN&MT cho hay.
Về lâu dài, Sở TN&MT cho hay cần đánh giá tổng thể, đảm bảo cơ sở khoa học để có giải pháp chủ động giảm thiểu tiêu cực từ hiện tượng xói lở nêu trên. Do đây là hoạt động chuyên môn sâu, cần có sự tham gia của các nhà khoa học nên Sở TN&MT sẽ báo cáo UBND TP cho chủ trương để tiến hành nghiên cứu.
Trước mắt, Sở TN&MT tiếp tục kiểm tra, theo dõi, cập nhật số liệu về hiện tượng xâm thực bờ biển để kịp thời báo cáo UBND TP có các biện pháp xử lý thích hợp cho từng thời điểm cụ thể.
Xây dựng quá sát bờ biển
Trao đổi với PV, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm (Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam) nêu nguyên nhân của tình trạng xói lở bờ biển Đà Nẵng là do các công trình lấn ra quá sát biển.
Theo ông Diệm, sóng biển đánh vào bờ mang theo rất nhiều năng lượng. Khi gặp một bờ cát thoai thoải đủ dài (hoặc hàng cây chắn sóng đủ dày), các con sóng sẽ dần giảm năng lượng, chỉ trườn nhẹ trên mặt cát. Tuy nhiên, khi con sóng đánh vào gặp ngay công trình bê tông kiên cố hoặc bờ kè… thì dần dà sẽ đánh vỡ tan các vật cản này.
“Sóng đánh vào gặp ngay các bức tường chắn thì xoáy tạo thành hàm ếch gây sụt lún chân tường chắn và đánh sập. Chúng ta không thể phá được năng lượng của sóng nhưng có thể làm giảm năng lượng của nó. Do các nhà quản lý trước đây cho xây nhà hàng, resort sát biển quá nên bờ cát bị thu hẹp lại, không còn tác dụng giảm năng lượng sóng nữa” - ông Diệm phân tích.
Để xử lý vấn đề xói lở bờ biển, ông Diệm cho hay nguyên tắc chung là phải tạo một bãi cát đủ dài như trước đây, tạo thành con đê mềm tự nhiên. Một cách tạo đê mềm nữa là trồng một rừng phi lao ven biển. “Lấy tiền xây kè mà trồng cây thì còn lợi gấp trăm lần” - ông Diệm nhấn mạnh.
Khai thác nước ngầm quá mức
TS Nguyễn Thị Minh Phương (Trưởng Khoa môi trường và công nghệ hóa - ĐH Duy Tân) lại chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khác khiến bờ biển Đà Nẵng mất dần. Đó là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức ở ven biển mà “thủ phạm” chính là các công trình cao tầng.
Nhiều năm nghiên cứu tài nguyên nước, bà Phương chỉ rõ trong các giáo trình giảng dạy của mình rằng trước đây chỉ cần đào sâu xuống đất ven biển Đà Nẵng 1,2 m là đã thấy nước ngầm. Tuy nhiên, hiện nay nước ngầm tại đây đang cạn dần.
Bà Phương nêu ví dụ, một móng công trình ven biển rộng khoảng 500 m2, mỗi ngày đêm bơm hút ra cống 200 m3 nước. Những móng công trình này thường được thi công cả năm nên lượng nước ngầm mất đi là rất lớn. Chưa kể trong quá trình xây dựng, các nhà thầu khoan giếng hút nước ngầm tại chỗ để thi công.
“Nước ngầm ven biển mất đi làm sụt lún cát, từ đó xâm thực nhanh và nặng nề hơn. Khảo sát của chúng tôi cho thấy đoạn biển xói lở hiện nay trùng khớp với đoạn có nhiều công trình cao tầng nhất ở bên trong. Nếu cứ như vậy thì tương lai tuyến đường ven biển tại đây liệu có còn không?” - bà Phương cảnh báo.
Từ đó, bà Phương cho rằng Đà Nẵng cần dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, trong đó có việc hạn chế tối đa bê tông hóa ven biển cho đến khi nguồn nước phục hồi. TP cũng phải tính toán sự thâm nhập của nước mặn, tốc độ xói lở và quy mô xói lở để đưa ra giải pháp.
|
Cũng theo bà Phương, ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ và có chế tài đối với các công trình lãng phí nước ngầm như trên. Đồng thời TP cũng cần kiểm tra các khách sạn ven biển có đang lén khoan giếng để lấy nước phục vụ du khách sinh hoạt hay không.
11 resort năm sao xây dựng sát biển Thống kê từ Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay ven biển phía đông TP hiện có 11 resort năm sao cùng nhiều resort khác đang xây dựng sát biển, tạo thành bức tường chắn dọc theo cung đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như Crowne Plaza, Olalani, Hyatt Regency… Cùng với đó là hàng trăm khách sạn cao tầng khác ngay phía trong. Sở TN&MT cũng cho biết đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển TP Đà Nẵng. “Việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển với một khoảng cách được xác định khoa học sẽ giúp giảm thiểu và thích ứng với các tác động của xói lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhờ đó, Đà Nẵng sẽ hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ biển, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai” - Sở TN&MT cho hay. |