Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tặng bằng khen cho các điển hình tham mưu tốt thực hiện Quy định 1374. Ảnh: VIỆT DŨNG
Không để vào cơ quan quyền lực rồi sai phạm
Theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong công tác PCTN, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Đảng đã thể hiện quyết tâm rất rõ, tạo điều kiện cho nhân dân nói chung, mà mặt trận là người đại diện có tiếng nói, góp sức vào công cuộc, đồng thời khuyến khích được báo chí bày tỏ chính kiến về các vụ việc đã phát hiện.
Tuy nhiên, công tác PCTN đòi hỏi phải kiên trì, kiên quyết thì mới có thể đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực. Theo đồng chí Phạm Thế Duyệt, chống tham nhũng đừng coi xử lý là chính, mà phòng phải là chính. “Tôi mong nhiệm kỳ tới, ngọn lửa PCTN vẫn được đốt lên mạnh mẽ”, đồng chí Phạm Thế Duyệt bày tỏ và mong muốn, Đại hội XIII của Đảng sắp tới sẽ bầu được những đồng chí xứng đáng, không để lọt vào những người có sai phạm. Sau đó, qua công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp cũng tiếp tục chọn được những người xứng đáng nhất.
“Nếu lần này chọn được cán bộ tốt thì giai đoạn năm 2021-2025 và đến năm 2030 chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ tốt”, đồng chí Phạm Thế Duyệt nói. Muốn vậy, chúng ta cần làm tốt vai trò của mặt trận trong hiệp thương lựa chọn cán bộ, trong đó cần hiệp thương rõ ràng ở cơ quan, khu dân cư, các tổ chức theo dõi, quản lý cán bộ để chọn được những người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất.
Giám sát chi tiêu công qua kho bạc
Theo đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, về công tác cán bộ, nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trong đó đưa ra việc nhận diện 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hiện nay, chúng ta đã có bộ tiêu chuẩn cán bộ. Ở cấp Trung ương, những tiêu chuẩn này đòi hỏi cao hơn, ví dụ như tầm nhìn chiến lược, khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra, những tình huống đặt ra ở cấp chiến lược… Khi chọn cán bộ cấp cao phải có nhìn nhận ở bối cảnh và tình huống đặt ra.
“Dù đã có tiêu chuẩn rõ đối với các vị trí nhân sự cấp cao, nhưng quan trọng nhất là nhìn về đạo đức cán bộ như một yêu cầu then chốt bên cạnh khả năng chuyên môn”, đồng chí Vũ Trọng Kim nêu quan điểm. Đồng chí phân tích, một số cán bộ khi được bố trí vào vị trí quan trọng thì bộc lộ nhiều vấn đề, nhưng thực ra họ đã có những dấu hiệu trước đó. Do vậy, người làm công tác cán bộ cần phải quan sát được cả quá trình.
Ngoài ra, nhiều cán bộ “ban đầu rất ổn” nhưng khi có quyền, có chức thì họ mới suy thoái. Lý do là bên cạnh việc thiếu tu dưỡng của chính cán bộ thì còn chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực đủ chặt chẽ. Do đó, nhiều ý kiến đều cho rằng, nhiệm kỳ tới, cần đột phá trong vấn đề kiểm soát quyền lực.
Đồng chí Vũ Trọng Kim cho rằng, nên có bộ quy tắc ứng xử cho các chức danh, đặc biệt là các chức danh đứng đầu. Bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, cụ thể sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên, quần chúng dễ dàng giám sát, theo dõi người đứng đầu. Khi đã có bộ quy tắc ứng xử, nếu cán bộ nào có biểu hiện tiêu cực thì sẽ được giám sát, góp ý. Đó là một kênh để giám sát cán bộ rất tốt. Cùng với việc đẩy mạnh kiểm tra, giám sát từ cấp trên, hiệu quả kiểm soát quyền lực sẽ được tăng lên.
Từ thực tế xử lý cán bộ vừa qua, đồng chí Vũ Trọng Kim cho rằng, hiện nay, cán bộ đã biết “sợ”. Bởi bất cứ là ai, Ủy viên Bộ Chính trị, anh hùng, cán bộ đã về hưu, kể cả cán bộ cấp cao… nếu sai phạm đều bị xử lý. Điều tra được sai phạm tới đâu, xử tới đó, không có vùng cấm. Do đó, ai làm sai đều nơm nớp lo sợ. Nhưng quan trọng hơn là phải có giải pháp để những người muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp “bít” được các lỗ hổng về thể chế.
“Ví dụ, mọi chi tiêu công phải qua kho bạc để giám sát, từ đó chống tham nhũng hiệu quả. Những cơ quan nắm tài sản lớn của Nhà nước thì cơ quan tài chính, nhất là kho bạc, phải giám sát chi tiêu bằng ứng dụng công nghệ, không thanh toán tiền mặt”, đồng chí Vũ Trọng Kim đề xuất.
|
LÂM NGUYÊN