Dù đã có không ít chỉ đạo từ lãnh đạo chính quyền TPHCM, song nhiều năm nay, tình trạng xe tự chế, xe quá đát vẫn “tung hoành” trên nhiều con đường ở TPHCM, khiến người dân hết sức bất an mỗi khi tham gia giao thông.
 

Xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)

Xe tự chế chở hàng cồng kềnh trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)

Phóng loạn xạ trên phố

Ghi nhận thực tế nhiều ngày qua trên nhiều tuyến đường, phóng viên đã chứng kiến những chiếc xe máy đời cũ không đèn, không biển số, không gương chiếu hậu (còn gọi là xe “mù”) chất hàng hóa phóng trên phố, lấn cả làn ô tô. Không chịu kém cạnh, nhiều loại xe 3 bánh, 4 bánh tự chế chất đầy hàng hóa cồng kềnh cũng lưu động khắp “hang cùng ngõ hẻm”, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. 

Trên quốc lộ 1A đoạn qua quận 12, quan sát trong khoảng 30 phút, phóng viên đếm được hàng chục xe “mù”, xe tự chế 3, 4 bánh chở hàng phóng nhanh, luồn lách. Rất khó để nhận ra nhãn hiệu của những chiếc xe này khi nó đã quá cũ, phần thân xe trơ khung sắt gỉ sét. Theo tìm hiểu, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh thay vì mua xe tải cho việc vận chuyển hàng hóa, thì lại chuyển sang mua lại hàng loạt xe ba gác máy để tiết kiệm chi phí cho việc vận chuyển, có thể dễ dàng di chuyển ở ngõ, hẻm nhỏ. Anh Hồ Văn Cường, người chạy xe ba gác tạm trú tại phường Thới An (quận 12) thổ lộ: “Tôi từ miền Trung vào đây mưu sinh đã được 4 năm, bằng cách chạy xe ba gác chở vật liệu xây dựng. Dù biết chạy loại xe này là vi phạm quy định của pháp luật, nhưng phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ nên tôi phải chạy miết”.

Cần quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp

Từ năm 2008, chính quyền TPHCM đã chỉ đạo nghiêm cấm các loại xe “mù”, xe tự chế 3, 4 bánh lưu thông. Triển khai chỉ đạo này, các ngành chức năng đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3, 4 bánh tự chế, đồng thời chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Vậy nhưng, theo cơ quan chức năng, toàn thành phố hiện vẫn còn hơn 30.000 xe 3, 4 bánh, xe tự chế hoạt động. Theo các chuyên gia giao thông, trên thực tế, việc cấm sử dụng các phương tiện này và xử lý rất khó khăn, dù rằng rất nhiều xe cũ kỹ, không qua đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo điều kiện kỹ thuật lưu thông.

Đặc biệt, khi các xe này quay trở, dừng lại hay xếp dỡ hàng bên đường thì dễ khiến xảy ra va chạm, kẹt xe, ùn tắc giao thông. Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM cho biết, các xe ba gác, xe tự chế vẫn xuất hiện khá nhiều trên địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Mặc dù đơn vị này đã mở nhiều đợt ra quân xử lý, kiểm tra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, các xe này vẫn hoạt động bất chấp, gây nhiều trở ngại cho người tham gia giao thông.

Theo luật sư Đinh Công Hưng (Đoàn Luật sư TPHCM), Nghị quyết số 32/2007 của Chính phủ đã quy định đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3 - 4 bánh tự chế. Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ. Cùng với đó, Thủ tướng cũng ban hành quyết định hỗ trợ cho các chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm.

Thế nhưng trong thực tế, việc kiểm soát, xử lý các loại phương tiện này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm phối hợp rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất lắp ráp, số hộ dân sử dụng các loại xe cơ giới 3, 4 bánh tự chế không có đăng ký, để quản lý chặt chẽ. Đồng thời có kế hoạch triển khai chiến dịch kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý những phương tiện vi phạm.

Sở GT-VT TPHCM vừa xây dựng lộ trình hạn chế xe 3, 4 bánh tự chế và xe chở hàng có gắn động cơ trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2021, sẽ điều chỉnh phạm vi hoạt động theo vành đai nội đô thành phố để hạn chế các loại xe này lưu thông (theo Quyết định của UBND TP về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông khu vực nội đô). Giai đoạn từ năm 2022 trở đi giữ nguyên vành đai hạn chế, điều chỉnh thời gian cấm theo giờ, từ 5 giờ đến 22 giờ.

Lãnh đạo UBND TPHCM cũng vừa yêu cầu các quận, huyện tổ chức thống kê thông tin liên quan đến người đang sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế trên địa bàn. Trong đó, chú trọng những thông tin về điều kiện kinh tế của người dân đang mưu sinh bằng phương tiện này, nhằm đề xuất hỗ trợ bà con chuyển đổi việc làm.