PNO - Nhiều khách hàng ngạc nhiên khi biết hầu hết các ứng dụng gọi xe công nghệ (Grab, Gojek, Be) thu phí nền tảng 1.000-2.000 đồng/chuyến mà không hề thông báo cho khách.
Cụ thể, theo tìm hiểu của chúng tôi, Grab Việt Nam áp dụng việc thu phí nền tảng từ ngày 19/2/2020 với mức giá 1.000 đồng/cuốc xe đối với các loại hình chở khách đặt hàng bằng xe hai bánh và 2.000 đồng/cuốc đối với các dịch vụ xe từ bốn chỗ trở lên. Hệ thống của nhà cung cấp ứng dụng sẽ tự động khấu trừ khoản phí trên nền tảng ví của đối tác (tài xế) ngay khi đối tác hoàn thành chuyến xe.
Nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ âm thầm thu thêm phí mà không giải thích rõ với người dùng - Ảnh minh họa |
Tương tự Grab, ứng dụng Gojek Việt Nam cũng phụ thu phí nền tảng từ khách hàng với mức 1.000 đồng/đơn hàng đối với GoBike. Tuy nhiên, từ ngày 25/5, hãng xe này điều chỉnh mức phí tăng lên 2.000 đồng cho mỗi đơn hàng vào khung giờ cao điểm tại TP.Hà Nội và TP.HCM.
Be cũng bắt đầu thu phí sử dụng ứng dụng từ ngày 1/4. Mức phí này là 6,377% tổng số tiền/chuyến xe và phí đã bao gồm trong mức giá điều chỉnh của công ty ở tất cả các dịch vụ trên toàn quốc.
Điều đáng nói, hầu như các loại phí này đều được các hãng “âm thầm” thu mà không thông báo rộng rãi đến khách hàng. Nhiều khách hàng đến nay vẫn chưa biết mình phải trả thêm tiền cho hãng khi dùng ứng dụng gọi xe và số tiền đó được dùng cho mục đích gì.
Theo đại diện nhà cung cấp ứng dụng, số tiền thu được sẽ dùng để nâng cấp ứng dụng, gia tăng trải nghiệm, nâng mức bảo vệ cho khách hàng và tăng phúc lợi cho tài xế. Cụ thể, phía Grab cho rằng, việc thu phí nền tảng nhằm mở rộng quyền lợi bảo hiểm tai nạn cá nhân, tăng hạn mức bồi hoàn chi phí y tế, nghiên cứu và phát triển nhiều tính năng giúp đỡ đối tác và khách hàng an toàn hơn trong cuốc xe, đối phó sự cố khẩn cấp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam - khẳng định, việc các hãng đưa ra lý do để thu thêm phí nền tảng với người dùng là vô lý. Theo luật sư Hậu, các ứng dụng gọi xe công nghệ từ khi vào thị trường Việt Nam đều khẳng định mình là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối giữa khách hàng và những người có phương tiện nhàn rỗi (tài xế).
Sản phẩm của họ là ứng dụng, khách hàng sử dụng dịch vụ đã trả tiền cước cho tài xế và tài xế gửi lại phần chiết khấu cho công ty (là lợi nhuận). Điều quan trọng là người tiêu dùng phải biết được mức phí mà họ trả để quyết định có tiếp tục sử dụng dịch vụ đó hay không. Bất cứ một loại phí thu thêm nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tức phải thông báo rõ ràng, lý giải nguyên nhân và khách hàng được quyền lựa chọn tiếp tục sử dụng dịch vụ với mức giá đó hay không.
“Việc âm thầm thu phí gọi là hành vi móc túi khách hàng, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí có dấu hiệu gian lận thương mại. Vì mức 1.000-2.000 đồng thu thêm có thể không nhiều đối với một khách hàng, nhưng với hàng triệu người dùng trong tháng và nhiều hãng khác nhau đều thu như vậy thì con số sẽ rất lớn. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải được biết để thu thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Hậu nói thêm.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, theo Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 áp dụng từ ngày 1/4/2020, các hãng công nghệ cung cấp phần mềm kết nối như Grab sẽ là “đơn vị kinh doanh vận tải” bình đẳng như các hãng taxi khác. Cho nên, việc các đơn vị này tính toán, thu thêm khoản phí nào là chính sách của riêng đơn vị đó, với điều kiện phải công khai các mức thu, giá cả, chi phí cộng thêm. “Nếu không công khai mà tự ý đưa vào giá dịch vụ gọi là thu ngoài. Thu ngoài là trái với quy định vì khách không biết mình đang bỏ phí cho dịch vụ gì, còn cơ quan quản lý nhà nước bị thất thu thuế” - ông Phượng phân tích.
Quốc Thái