Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 sẽ có nhiều thay đổi khi các quy định mới ban hành có hiệu lực.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân có nhiều thay đổi   /// ẢNH: Ngọc Thắng
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân có nhiều thay đổi - ẢNH: NGỌC THẮNG

1 triệu người sẽ không phải nộp thuế ?

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân Tổng cục Thuế, cho biết kỳ quyết toán thuế năm 2020 sẽ có thay đổi so với trước đó. Theo luật Quản lý thuế sửa đổi, hạn Quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế chi trả thu nhập được ủy quyền là ngày 31.3. Còn đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế, thời hạn quyết toán được kéo dài thêm 1 tháng, đến 30.4.

Miễn thuế cho cá nhân có số thuế dưới 50.000 đồng

Điểm b khoản 2 điều 79 luật Quản lý thuế quy định cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống được miễn thuế.
Theo Nghị định 126 hướng dẫn luật Quản lý thuế mới, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán TNCN. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thực hiện ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập... Tổng cục Thuế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết những quy định liên quan được đề cập tại Nghị định 126.
Riêng về mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay sẽ áp dụng theo mức mà Nghị quyết 954 của Quốc hội ban hành là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (tương ứng 132 triệu đồng/năm) và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (tức 52,8 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ này được thực hiện từ ngày 1.7.2020 và thực hiện trong kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Dự kiến có hơn 1 triệu người nộp thuế không phải nộp thuế khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới. Với những người có thu nhập cao hơn, phải nộp thuế trong khoảng bậc 2 trở đi thì số thuế TNCN phải nộp cũng sẽ giảm đáng kể do được nâng mức giảm trừ gia cảnh lên. Từ khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, số thuế TNCN nộp vào ngân sách nhà nước giảm hơn so với cùng kỳ.

Chở cả ô tô hồ sơ hoàn thuế

Cá nhân có số thuế đề nghị hoàn thì có thể nộp bất kỳ thời điểm nào mà không bị xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chậm nộp. Thế nhưng, với mức giảm trừ gia cảnh thấp, mức trừ thu nhập vãng lai ở mức 2 triệu đồng khấu trừ thuế 10%... đã phát sinh nhiều hồ sơ xin hoàn thuế TNCN trong năm qua. Đơn cử, trong năm 2020, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện giải quyết 22.125 hồ sơ hoàn thuế TNCN, tăng 23% so với cùng kỳ, với số thuế hoàn là 149 tỉ đồng (tính bình quân mỗi hồ sơ có số thuế hoàn 6,7 triệu đồng - PV), tăng 18% so với cùng kỳ. Trong năm 2020, số thu thuế TNCN trên địa bàn thành phố đạt 40.602 tỉ đồng, bằng 88,07% dự toán và tăng hơn 1.862 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
TS Nguyễn Ngọc Tú, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết TP.HCM có lượng hồ sơ hoàn thuế khá lớn. Trước đây, lãnh đạo cơ quan thuế còn phải chở cả ô tô hồ sơ hoàn thuế về nhà để ký, nhưng nay có một số cải cách mới trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế nên cũng đỡ hơn. Đơn cử, Cục Thuế TP.HCM phối hợp Kho bạc Nhà nước triển khai áp dụng ký số điện tử, thực hiện lập bảng kê lệnh hoàn đối với hồ sơ hoàn thuế dưới 50 triệu đồng. Những phương thức cải tiến này đã rút ngắn thời gian và áp lực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng cần xem lại vấn đề phát sinh những hồ sơ hoàn thuế từ đâu. Hiện nay, thu nhập vãng lai 2 triệu đồng đã phải đấu trừ thuế 10% nên đã phát sinh hồ sơ xin hoàn thuế tăng mạnh. Thực tế có nhiều người không muốn thực hiện quyết toán năm để lấy lại số thuế dư thừa do mất thời gian, không lấy đủ chứng từ... nên có thể số lạm thu cũng có từ đây. Do đó, cần nhanh chóng nâng mức thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng. Đây chỉ là trường hợp khắc phục chứ về lâu dài không nên đưa ra con số tuyệt đối, bởi lạm phát ngày càng tăng thì người nộp thuế sẽ thua thiệt.