(NB&CL) Luôn mong muốn đóng góp sức trẻ cho một đất nước hòa bình và tự do, nhà báo - liệt sỹ Tô Chức - Đài Tiếng nói Việt Nam - đã dành trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng và cho nền báo chí nước nhà.

Để hiểu hơn về ông, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Tô Hồng Vân - nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, em ruột của nhà báo Tô Chức.

Người thiếu sinh quân cầm bút vào chiến trường

Trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này, toàn dân tộc lại hướng về ngày thương binh liệt sỹ, cùng tưởng nhớ và biết ơn những người con của dân tộc, họ chiến đấu anh dũng và hy sinh cho Tổ quốc, cho hòa bình ngày hôm nay.   

Lật giở từng trang trong album ảnh, bà Tô Hồng Vân vẫn xót xa vì không lưu giữ được nhiều những bức ảnh, những kỷ vật của người anh. Một trong những lần gia đình đi sơ tán, có thời điểm không quân Mỹ cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố phường Hà Nội, ngôi nhà nhỏ của gia đình ở phố Bát Sứ (Hoàn Kiếm) bị sập phần mái nhà, nhiều bài báo, bức thư bị cháy từ ngày đó... Những ký ức về nhà báo - liệt sỹ Tô Chức - người con của quê lúa Thái Bình được nhắc lại, đã có những nhớ nhớ quên quên của tuổi già nhưng những gì được kể vẫn còn đong đầy cảm xúc tự hào, thương nhớ của người còn sống.

Nhà báo – liệt sỹ Tô Chức.

Nhà báo – liệt sỹ Tô Chức.

Nhà báo - liệt sỹ Tô Chức sinh ngày 25/8/1936 tại Thái Bình. Ông đi bộ đội từ năm 1953, ở môi trường quân đội ông vừa rèn luyện vừa tự học, sau này ông thi đỗ vào khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, năm 1962 ông về làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Với sự năng động và nhiệt tình, ông được phân công làm Bí thư Đoàn thanh niên lao động Việt Nam toàn cơ quan.

Quá trình ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là thời điểm đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc. Nhà báo Tô Chức lúc đó liên tục có mặt ở những điểm nóng, những nơi thường xuyên phải hứng chịu bom đạm của kẻ thù. Mỗi nơi đến ông lại sáng tác và cho ra đời hàng loạt phóng sự, bút ký, truyện ngắn về sự hy sinh và tinh thần quả cảm của những người con của dân tộc.

Thời điểm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt các nhà máy, xí nghiệp, hệ thống cầu đường ở miền Bắc, ông đã viết nhiều bài để phát thanh trong chuyên mục “Từ nhà máy đến công trường” của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các bài viết trong chuyên mục đã miêu tả sinh động nhịp điệu lao động khẩn trương, tinh thần lạc quan của công nhân ở những nhà máy, xí nghiệp. Các tác phẩm của ông vừa khơi gợi vừa khích lệ tinh thần sáng tạo hăng say lao động sản xuất đồng thời vẫn luôn lạc quan yêu đời, trong cuộc chiến đấu chống lại sự phá hoại của quân thù. 

Bà Tô Hồng Vân cho biết: “Tuy là một phóng viên kinh tế nhưng anh đã xung phong làm thời sự chính trị, đã thực hiện hàng chục chuyến đi viết bài ở vùng địch đánh phá ác liệt. Như chiến trường Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng và khu gang thép Thái Nguyên… Có lần anh đi lấy tài liệu ở một đơn vị chiến đấu vừa đến cầu Hàm Rồng thì máy bay Mỹ đến đánh phá, anh vẫn bình tĩnh, dũng cảm, vượt qua cầu, đến trận địa pháo, tham gia cùng dân quân bắn máy bay địch và viết bài kịp thời phản ánh trên sóng phát thanh”.

Có lẽ luôn xung phong vào những nơi hiểm nguy nhất để tác nghiệp nên giọng văn của nhà báo Tô Chức vì thế cũng luôn sắc bén, mang khí chất và tinh thần của người chiến sỹ. Những bài bút ký, truyện ngắn của ông luôn có những chi tiết sống động, liền mạch như ông không viết văn mà kể lại câu chuyện “tai nghe mắt thấy”.

Bằng cách viết giản dị những phóng sự phát thanh của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thính giả. Đó là những tác phẩm “Chung một bài ca” - ngợi ca những tấm gương anh dũng hy sinh trong quá trình chiến đấu và lao động; đó là “Ai về Uông Bí mà xem” nói về tinh thần lạc quan của công nhân ngành than,… Nhiều bài viết, dù mang nhiều thể loại khác nhau nhưng tất cả cùng chung một nội dung, một ý chí là bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hết lòng hết sức vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Luôn mang lý tưởng, bản lĩnh và trách nhiệm

Qua câu chuyện của bà Tô Hồng Vân, chúng tôi được biết, nhà báo Tô Chức luôn xung phong đi đầu vào những nơi bom đạn ác liệt, kịp thời phản ánh trên làn sóng phát thanh cuộc sống và sự chiến đấu anh dũng của đồng bào chiến sĩ trên các trận địa. Năm 1966, nhà báo Tô Chức xung phong và được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi công tác ở chiến trường Bắc Lào trong thời gian hơn 4 tháng.

Năm 1968, nhà báo Tô Chức tình nguyện xin vào chiến trường Trị - Thiên cùng du kích địa phương chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Nhớ lại ngày nhà báo Tô Chức lên đường vào chiến trường, bà Tô Hồng Vân cho biết: Anh tôi có để lại bức thư, gửi người anh trai đang học ở Liên Xô. Trong đó có đoạn: “Em phải đi công tác một thời gian, chuyến đi rất hợp với nguyện vọng duy nhất của em, xa hơn Mạc Tư Khoa, mà cũng gần hơn cả Viên Chăn, rất thú vị và cũng rất gian nan, đi ở trong nước mà lại thành ra xuất dương… Vậy em đề nghị anh hãy chúc cho em ra đi được hai chữ “Bằng an” đi nhé. Nếu chủ nhật anh về không thấy em ở nhà cũng đừng có ngạc nhiên bởi vì “Tráng sỹ ra đi hẹn có ngày trở lại”…

Bà Tô Hồng Vân - em nhà báo liệt sỹ Tô Chức.

Bà Tô Hồng Vân - em nhà báo liệt sỹ Tô Chức.

Trong thời gian học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Tô Chức sống có lý tưởng, hoài bão lớn, trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng. Đối với các thành viên trong gia đình, anh luôn quan tâm hỗ trợ động viên từng người, bà Tô Hồng Vân nhớ lại: “Đối với tất cả mọi người anh đều dành sự quan tâm, qua những bức thư anh gửi về từ chiến trường đều thể hiện tình cảm đối với từng thành viên gia đình, anh vẫn chia sẻ với tôi là sẽ viết một bộ tiểu thuyết về mẹ… nhưng cuối cùng cũng chưa kịp làm”.

Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng các tác phẩm báo chí mà nhà báo Tô Chức để lại như một minh chứng cho sự đóng góp cống hiến quên mình của tuổi trẻ cho cuộc cách mạng của dân tộc. Có thể nói, mỗi chuyến đi của nhà báo Tô Chức là một thử thách về lòng quả cảm, không chỉ ở sự ác liệt của bom đạn mà đó là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm.  Những bài báo cùng tấm gương về tinh thần trách nhiệm, tinh thần xung kích của một nhà báo - chiến sĩ đã khơi gợi thêm niềm tự hào về một thế hệ nhà báo đã đi qua nhưng cũng hun đúc thêm ý chí để thế hệ nhà báo chúng tôi hôm nay rèn luyện, tu dưỡng, tiếp tục đóng góp cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình, được hít thở trong bầu không khí của tự do, nhưng để có được cuộc sống bình dị đó là hàng triệu người con của dân tộc đã ngã xuống. Chúng ta không bao giờ được phép lãng quên những điều đó.