Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 23/7/2020:
Bé Diệu Nhi đã cai máy thở, hai bé phản xạ tốt khi nghe giọng bố mẹ
Báo Tuổi Trẻ cho hay, sau một tuần mổ tách dính và được điều trị tích cực tại khoa hồi sức ngoại, sức khỏe hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi ổn định, tỉnh táo, phản xạ tốt khi nghe giọng bố mẹ. Riêng Diệu Nhi đã cai máy thở.
GS.BS Trần Đông A (cố vấn chuyên môn ca mổ tách song sinh) nhận định Trúc Nhi - Diệu Nhi có rất nhiều hi vọng để trở lại cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác với điều kiện khâu hậu phẫu phải theo dõi rất sát sao và điều trị kịp thời tất cả những biến chứng dù là nhỏ nhặt nhất.
Theo TS.BS Trương Quang Định - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh, trong vòng 3 tháng tới, hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi phải trải qua thêm 4 cuộc đại phẫu để tạo hình khung chậu, tiết niệu, tiêu hóa và tầng sinh môn.
Thay đổi thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng cần có giải pháp để đưa sản phẩm nghiên cứu đi thương mại hóa, tạo động lực cho người nghiên cứu tiếp tục phát huy năng lực, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Đó là đúc kết từ hội thảo “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học”.
Hội thảo trên do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) TP. Hồ Chí Minh (SIHUB) tổ chức, thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm về mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc, Đức, Australia… và hiện trạng hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Minh Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia TPHCM), quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học - doanh nghiệp (DN) còn nhiều bất cập. Việc triển khai cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ trong các viện, trường chưa đạt yêu cầu."Hiện vẫn còn khoảng 10% DN Việt Nam sử dụng công nghệ từ những năm 1970, 30% sử dụng công nghệ từ những năm 1980 và 50% sử dụng công nghệ từ những năm 1990”, bà Huyền Trang cho biết và nhấn mạnh, quá trình chuyển giao công nghệ giữa đại học - DN là vấn đề rất cấp thiết trong phát triển nghiên cứu khoa học.
Chia sẻ bài học từ các nước, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, cho biết hiện các nước có khá nhiều mô hình về chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đơn cử mô hình công ty đại diện của trường đại học, mô hình này có thể thay thế hoàn toàn vai trò của trung tâm chuyển giao công nghệ tại một số trường đại học và cũng có thể đảm nhận vai trò của vườn ươm công nghệ. Theo ông Tước, vấn đề hiện nay của các trường là luật pháp vẫn chưa cho phép các trường đại học được đầu tư tài chính.
Ở các nước tiên tiến, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam, giảng viên, nhà khoa học lấy hoạt động nghiên cứu làm nguồn thu chủ yếu. Ngược lại, ở Việt Nam, tại các trường đại học, việc đào tạo vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Trong những năm gần đây, chủ trương áp dụng cơ chế tự chủ của Chính phủ đối với các trường đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục bậc cao này tiệm cận với cơ chế thị trường. Các trường phải quan tâm đến việc tạo được các sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường từ nguồn lực sẵn có.
Mất tiền vì theo 'cò' học chương trình đào tạo chui
Lợi dụng lớp học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Kinh Bắc mở tại TP.Hồ Chí Minh đóng cửa do đào tạo chui, người tự xưng đại diện của trường tư vấn cho học viên chuyển sang học trường khác, thu tiền và biến mất.
Theo trình báo của anh T.A, nhân viên một công ty nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh, cuối tháng 6/2019, qua Facebook, anh biết về chương trình đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Kinh Bắc (Bắc Ninh) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh do một người có tên T.H.N đứng ra sắp xếp.
T.A được N. thông báo về lịch học, thi và học phí (40 triệu đồng/4 học kỳ, được giảm giá 1 triệu còn 39 triệu đồng và chia làm 4 lần đóng). Anh T.A đồng ý nộp hồ sơ (kèm các bằng cấp, học bạ) để N. nộp cho Trường ĐH Kinh Bắc xem xét.
Sau đó, anh T.A được Trường ĐH Kinh Bắc gửi xác nhận nhập học (không có ngày tháng ký), thẻ sinh viên. Theo hướng dẫn, ngày 6/7/2019, anh đến Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Nam Á để nộp hồ sơ bản gốc, đóng học phí lần 1 là 8 triệu đồng, thi đầu vào, và tiếp đó, ngày 18/8/2019, anh T.A thi các môn của học kỳ tiếp theo, đóng học phí lần 2 là 10 triệu đồng và nhận biên lai học phí có con dấu của Trường ĐH Kinh Bắc.
Cuối tháng 9/2019, N. thông báo chương trình liên thông văn bằng 2 của Trường ĐH Kinh Bắc tại TP.Hồ Chí Minh chính thức dừng lại và sẽ rút hồ sơ, bồi hoàn học phí cho tất cả học viên.
Giữa tháng 10/2019, N. liên hệ qua điện thoại chủ động đề nghị anh T.A chuyển hồ sơ sang Trường ĐH Mở TP.HCM để tiếp tục học liên thông với học phí 50 triệu đồng, chia làm 2 đợt đóng. Anh T.A đồng ý.
Sau khi đóng học phí và chờ đợi, anh T.A không được xếp lịch học hay thi nên sốt ruột hỏi N. liên tục. Ngày 21/12/2019, N. gửi cho anh T.A danh sách sinh viên chương trình đào tạo hệ vừa học vừa làm của Trường ĐH Mở TP.HCM, có tên anh T.A do bà Nguyễn Thị Anh Thảo (Phó giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa) ký, đóng dấu.
Anh T.A cảm thấy giấy tờ không hợp lệ nên yêu cầu rút hồ sơ và hoàn lại tiền đã nộp nhưng N. nhiều lần hứa hẹn, tránh né. Khi liên hệ với người có thẩm quyền ở Trường ĐH Mở
TP.HCM thì được xác nhận qua điện thoại và email là danh sách có con dấu và chữ ký của bà Nguyễn Thị Anh Thảo mà anh nhận được là giả mạo.
Ngày 19/7, trả lời PV báo Thanh Niên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo từ xa, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết bà có tiếp xúc với anh T.A về vấn đề này. Những giấy tờ anh nhận được từ N. đều là giả mạo. Theo bà Thảo, qua xác minh cho thấy có 8 người có tên trong danh sách đã nộp hồ sơ để học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh tại trường. Tuy nhiên, những người này chỉ mới nộp hồ sơ cho khóa học sắp tới chứ chưa hề trúng tuyển, chưa xếp lớp học.
Ngắm các bức tranh cổ động chống dịch COVID-19 của học sinh tiểu học
Báo Lao Động đưa tin, Hội sách Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh lần 2 năm 2020 đang trưng bày những tác phẩm do các bé thiếu nhi vẽ về đại dịch Covid-19, qua đó cổ vũ tinh thần quyết tâm chống dịch của cộng đồng và bày tỏ lòng biết ơn đối với đội ngũ y, bác sĩ - những “chiến sĩ” ở tuyến đầu chống dịch.
Vân Anh