Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới tiếp tục được triển khai ở lớp 2 và lớp 6.
Hiện nay, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học tới.
Chủ động chuẩn bị
Là một trong những quận có số học sinh tăng cơ học đông nhất Thành phố, năm học tới, Quận 12 dự báo tiếp tục gặp khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6 theo lộ trình.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục Quận 12, cho biết triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 ở lớp 1, quận ưu tiên phòng học cho học sinh khối lớp này. Theo đó, trong tổng số 11.800 học sinh học lớp 1 có 38,9% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Các khối lớp còn lại của bậc tiểu học tỷ lệ học 2 buổi/ngày khá thấp.
Năm học 2021-2022, quận không có trường tiểu học mới được đưa vào sử dụng, trong khi đó, phải tiếp tục ưu tiên phòng học cho học sinh khối lớp 2 để giữ tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày là 38,9%. Vì thế, học sinh lớp 1 năm học 2021-2022 được 2 buổi/ngày sẽ đạt tỷ lệ thấp hơn năm học 2020-2021.
Riêng khối lớp 6, hiện Quận 12 chỉ có 15,7% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Năm học 2021-2022, quận có 6.600 học sinh đang học lớp 5 lên lớp 6 nhưng chỉ có thêm một trường Trung học Cơ sở mới được đưa vào sử dụng. Theo đó, bậc học này sẽ có 17,1% học sinh học 2 buổi/ngày. Trong đó, quận sẽ ưu tiên khối lớp 6 đạt 25% học sinh học 2 buổi/ngày.
Số học sinh học 1 buổi/ngày sẽ học 6 buổi/tuần (học thứ 7) để đảm bảo yêu cầu chương trình mới.
Quận 6 hiện đã đảm bảo 100% học sinh bậc tiểu học học 2 buổi/ngày. Ở bậc Trung học Cơ sở, 100% học sinh các khối lớp 6 và 7 học 2 buổi/ngày, khối 8 và 9 đạt khoảng 90%.
Dự kiến, năm học 2021-2022, số học sinh đang học lớp 1 sẽ lên lớp 2 khoảng 4.200 em, học sinh lớp 5 lên lớp 6 khoảng 4.000 em.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6, cho biết tình hình học sinh trên địa bàn quận trong mức dự báo và không có biến động nhiều. Do đó, quận chủ động trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, bổ sung phòng học kịp thời.
Cùng với đáp ứng về số phòng học, để đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, quận đang tiến hành rà soát tất cả các trường học để bổ sung các trang thiết bị cần thiết.
Đồng thời, quận tiếp tục có kế hoạch xây dựng trường, lớp mới để tiến tới đảm bảo 100% học sinh cả bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở học 2 buổi/ngày, theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào những năm tới.
Từ thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (Quận 3), cho rằng yếu tố quan trọng nhất góp phần triển khai thành công chương trình mới là chất lượng đội ngũ giáo viên. Do đó, công tác chuẩn bị về đội ngũ, cử giáo viên đi tập huấn luôn được trường chú trọng và tham gia tập huấn về chương trình mới đầy đủ.
Trường khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới. Cũng như lớp 1 năm học 2020-2021, trường tiếp tục ưu tiên lựa chọn giáo viên có kỹ năng tốt về tin học, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, nhạy bén, dễ tiếp thu các phương pháp dạy học mới để đảm nhiệm giảng dạy khối lớp 2.
Về cơ sở vật chất, hiện trường đã đảm bảo 100% học sinh của trường học 2 buổi/ngày. Do đó, việc triển khai chương trình mới theo lộ trình ở những năm tiếp theo sẽ thuận lợi.
Chuẩn bị điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan, quận Bình Thạnh, cho biết hiện trường có giáo viên môn Ngữ văn và Hiệu trưởng được Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận cử tham gia tập huấn các lớp cán bộ quản lý cốt cán, giáo viên cốt cán.
Cùng với đó, toàn bộ giáo viên đang được tập huấn đại trà theo quy định. Ngoài ra, trường phối hợp với Ban Quản lý Chương trình ETEP (Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) cho giáo viên tất cả các môn tham gia tập huấn trực tuyến về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Riêng các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo chương trình mới, trường đã đưa toàn bộ giáo viên 5 môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học tham gia tập huấn.
“Không phải đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên mới đổi mới mà việc áp dụng các phương pháp dạy học mới nhiều năm qua đã được giáo viên của trường thực hiện và đạt được kết quả tốt. Hoạt động sinh hoạt chuyên môn đã được đổi mới theo hướng nghiên cứu bài học để giáo viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp giáo viên tránh những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu khi thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới ở lớp 6 vào năm học 2021-2022," thầy Phạm Thái Hồ chia sẻ.
Theo thầy Phạm Thái Hồ, bên cạnh thuận lợi về cơ sở vật chất, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 vào năm học 2021-2022 của trường có khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên ở môn học tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2; phân công giáo viên đảm nhận hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Học sinh lớp 1 đảm bảo chất lượng
Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới chính thức được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021. Thực tế, thời gian đầu thực hiện có những khó khăn nhất định do cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều lúng túng.
Tuy nhiên, với sự chủ động của giáo viên trong việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, hầu hết học sinh đã theo kịp chương trình. Kết quả kiểm tra đánh giá học kỳ 1 của lớp 1 năm học 2020-2021 ở một số quận, huyện cho thấy chất lượng học tập học sinh vẫn được đảm bảo.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh (Quận 3), cho biết qua kết quả đánh giá học kỳ 1 lớp 1 cho thấy học sinh theo kịp chương trình học.
Để đạt được kết quả này, cùng với vai trò của giáo viên trong việc chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch giảng dạy, việc kết nối chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh là điều rất quan trọng để hỗ trợ học sinh học tập tốt. Thực tế, thực hiện chương trình mới, phụ huynh vất vả hơn những năm trước.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 6, chia sẻ kết thúc học kỳ 1, học sinh lớp 1 tại Quận vẫn theo kịp chương trình học.
Thời gian đầu năm học, cả học sinh và giáo viên có những bỡ ngỡ nhưng dần bắt nhịp chương trình. Giáo viên được tập huấn đầy đủ nên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục Quận 12, cũng cho biết kết quả kiểm tra, đánh giá học kỳ 1 lớp 1 vừa qua cho thấy học sinh vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu chương trình.
Ở góc độ phụ huynh có con đang học lớp 1, chị Nguyễn Thu Dịu (quận Thủ Đức) chia sẻ việc đánh giá chương trình nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu của mỗi học sinh. Tuy nhiên, nếu so sánh, chương trình và sách giáo khoa mới có mức độ khó cao hơn chương trình cũ.
Đơn cử, môn Tiếng Việt ở học kỳ 1 không chỉ là học từ, câu mà có cả đọc hiểu, trả lời câu hỏi. Dù mức độ đơn giản nhưng đòi hỏi các con phải hiểu bài. Với học sinh chậm tiếp thu, nếu giáo viên và phụ huynh không kèm sẽ bị "đuối."
Thực tế, chương trình mới này thực sự hiệu quả và phù hợp nếu các trường đáp ứng các yêu cầu về phòng học, giáo viên đúng quy định. Trong khi đó, nhiều trường có số học sinh/lớp đông, giáo viên không theo sát được học sinh./.