LDO - TikTok, mạng xã hội có lượng người dùng là trẻ em, lứa tuổi teen rất lớn, đã trở thành mối lo mới của các bậc cha mẹ đối với việc sử dụng nền tảng này của con em mình.
Mới đây một bé gái 10 tuổi ở Italia bị chết não và qua đời vì chơi trò “thử thách bất tỉnh” trên TikTok. Theo trò chơi, cô bé quấn thắt lưng quanh cổ để quay video “trò chơi”, nhưng sơ suất bị thắt lưng thít chặt gây ngạt thở, trong khi không có ai kịp thời phát hiện để cứu giúp.
Những trò chơi đầy rủi ro và nguy hiểm như thế có thể cướp đi tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào không phải là mới xảy ra và chỉ xuất hiện đối với mạng xã hội TikTok. Cách đây 2 năm, trò chơi “thử thách Momo” dẫn đến cái chết của trẻ đã từng gây rúng động thế giới. Và cho đến nay, những clip biến tướng từ “thử thách Momo” vẫn còn không ít trên mạng Internet.
Tháng 11.2020, một bé trai 8 tuổi ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã chết trong tư thế treo cổ trong nhà vệ sinh được cho là do bắt chước theo trò chơi “thử thách Momo” trên mạng internet đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ rằng: Những bi kịch xảy ra từ các trò chơi “thử thách” trên mạng xã hội có thể cướp đi tính mạng của con em chúng ta không chỉ là câu chuyện ở nước ngoài, mà đã xảy ra tại Việt Nam.
Và phạm vi của các mạng xã hội lan truyền những clip hướng dẫn trẻ em chơi các trò thử thách đầy nguy hiểm cũng đang dần mở rộng phạm vi. Lúc đầu, “thử thách Momo” xuất hiện trên YouTube. Bây giờ, với mạng xã hội video ngắn TikTok đang được giới trẻ nói chung và các em thiếu niên nói riêng ưa chuộng, lại xuất hiện trò chơi nguy hiểm khác là “thử thách bất tỉnh”, đã cướp đi sinh mạng của bé gái 10 tuổi.
Từ YouTube cho tới TikTok, khi để tồn tại các video hướng dẫn những trò chơi gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ trên nền tảng của mình, không thể không chịu trách nhiệm.
TikTok đã thành lập pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, vì thế hoạt động của TikTok phải hoàn toàn tuân thủ pháp luật tại Việt Nam. Số liệu công bố từ năm 2019, TikTok đã đạt được khoảng 12 triệu thuê bao hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, trong đó tỉ trọng những người dùng trẻ chiếm rất cao. Thậm chí, TikTok còn phải tính đến việc “già hóa” nội dung để mở rộng độ phủ người dùng sang các phân khúc lứa tuổi lớn hơn.
Trước vụ bé gái 10 tuổi chết não tại Italia do chơi trò “thử thách bất tỉnh” trên TikTok, mạng xã hội này càng phải tăng cường hơn nữa việc kiểm soát nội dung đăng tải từ người dùng. Không thể để các clip có nội dung độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người có cơ hội tiếp cận người dùng trẻ em vốn có nhận thức còn non nớt, đặc biệt là có tính hay tò mò, bắt chước những trò chơi lạ, mang tính “thử thách” nhưng lại không lường hết được những rủi ro, nguy hiểm.
Trong các vụ việc thương tâm xảy ra dẫn đến những cái chết vì các trò chơi “thử thách” bắt chước theo các video trên mạng xã hội YouTube, TikTok, nạn nhân đến nay 100% đều là trẻ em. Các em xem các video có nội dung hướng dẫn các trò chơi “thử thách” vốn có độ nguy hiểm và rủi ro cao, rồi một mình tìm nơi kín đáo để tự thực hiện, vì thế không ai hay biết. Tai nạn xảy ra, khi phát hiện được thì đã không còn kịp để can thiệp, cứu vãn nữa.