TTO - Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, bây giờ là lúc phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn, không thể cứ nói đồng hành chung chung mà phải có hành động cụ thể như gặp gỡ, bơm vốn, hỗ trợ về chính sách thuế...
Sáng 23-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì phiên họp toàn TP về tình hình kinh tế xã hội của địa phương 6 tháng đầu năm 2020.
Một lần nữa, vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo TP yêu cầu từng quận, huyện, sở, ngành quyết liệt thực hiện.
Đồng chí Phong phân tích "cú sốc COVID-19 đã khiến kinh tế TP bị tác động mạnh, dẫn đến hậu quả tốc độ tăng trưởng bình quân của TP luôn từ trên 8% thì 6 tháng đầu năm chỉ còn lại khoảng 2%".
Theo đồng chí Phong, lý do dẫn đến tình trạng trên là bởi ngành dịch vụ chiếm trên 60% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP. Năm 2019 du khách nước ngoài đến TP có 8,6 triệu người, thời gian lưu lại bình quân 3,6 ngày, mức tiêu tiền bình quân 150 USD/người/ngày. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2020, khi du lịch bị ảnh hưởng thì ảnh hưởng mạnh đến tổng cầu của TP.
Ngoài ra, một lý do nữa là doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp và đây lại là những doanh nghiệp dễ bị gãy đổ, ảnh hưởng do COVID-19.
Từ những phân tích trên, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định:
“Chúng ta không hi vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như dự báo ban đầu là 8,3-8,5%/năm. Nhưng bằng mọi giải pháp, TP phải hướng đến kịch bản tăng trưởng cao nhất là 5%”.
Lãnh đạo TP.HCM trực tiếp thị sát công trình tuyến Metro số 1- một trong những công trình trọng điểm của TP - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Đi vào giải pháp cụ thể, đồng chí Phong chỉ đạo tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Sở Kế hoạch đầu tư TP phải có giải pháp theo từng tháng, từng quý. Đặc biệt phải dự báo được với tình hình đơn hàng bị cắt giảm thì sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể, bao nhiêu người lao động bị mất việc. Mỗi quận, huyện đều có sự khác nhau chứ không thể giống nhau nên giải pháp cũng phải cụ thể, phù hợp với từng địa phương.
“Chủ tịch các quận, huyện cần gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp xem họ có khó khăn gì về thị trường, về lao động, về vốn... Cái nào thuộc thẩm quyền thì chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Giải pháp nào vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời đề xuất với cấp trên” - đồng chí Phong chỉ đạo.
Theo đồng chí Phong, hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để họ vượt qua khó khăn; Không thể cứ nói đồng hành, hỗ trợ chung chung mà phải có hành động cụ thể như gặp gỡ, bom vốn, chính sách thuế như thế nào...
Bàn thêm về đầu tư công, đồng chí Phong cho rằng vấn đề giải ngân đầu tư công bình thường đã quan trọng và trong điều kiện hiện nay càng quan trọng hơn vì tác động đến tổng cầu của nền kinh tế.
“Các dự án giao các quận các ngành thì Sở Kế hoạch đầu tư TP rà lại kỹ, nếu cần thiết thì điều chuyển vốn, không thể tiếp tục để tình trạng giải ngân chậm trễ” - đồng chí Phong yêu cầu.
Cụ thể, theo chủ tịch UBND TP.HCM, trước ngày 15-10 các đơn vị phải giải ngân trên 80%. Đến cuối năm 2020 phải đạt tỉ lệ giải ngân là 95%. Ngoài ra, trước 15-10 các đơn vị, địa phương phải đăng ký những dự án sẽ triển khai - phải kiểm tra tiến độ từng ngày không thể nói khơi khơi. Cuối năm 2020, đầu 2021 thì có dự án nào triển khai, dự án nào hoàn thành cũng phải làm rõ.
Được biết 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của TP.HCM dự ước tăng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ ước đạt 614.591 tỉ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%). Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ (lưu trú, ăn uống, lữ hành, các dịch vụ khác...) có xu hướng giảm. Trong khi đó, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng. Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ là nhờ 4 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi |
MAI HƯƠNG