TTO - Theo Cục An toàn thực phẩm, số vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước có chiều hướng gia tăng trong thời gian Tết dương lịch và cận Tết Nguyên đán.
Tại Hà Nội, TP.HCM, các đoàn kiểm tra thực phẩm tích cực "ra quân" kiểm tra, tránh hàng nhái, kém chất lượng vào tay người tiêu dùng. Khi thực phẩm đã xử lý qua hóa chất thì hiển nhiên chúng sẽ nổi bật hơn thực phẩm tự nhiên, không qua xử lý. Các mặt hàng trôi nổi không ai dám chắc chúng an toàn. - PGS Trần Hồng Côn
Bánh mứt mất vệ sinh
Ngày 25-1, ghi nhận tại các gian hàng khô tại một số chợ ở TP.HCM có bán rất nhiều loại bánh, mứt, hạt phục vụ ngày tết. Phần lớn các sản phẩm đều bán theo dạng cân ký, không có thông tin đơn vị sản xuất hay hạn sử dụng, chỉ để giá tiền. Riêng các loại mứt khô, mứt dẻo, nhiều sạp trưng bày thấp gần ngay lối đi, không che đậy.
Trong lúc một khách hàng đến chợ phân vân không biết mua loại hạt dẻ xanh hay hạt dẻ không tẩy, một chủ sạp nhiệt tình tư vấn: "Cả hai loại đều cùng giá mà loại hạt dẻ xanh thì có dùng chất tẩy thức ăn. Em thấy vỏ nó trắng, phần hạt lại xanh tươi, không bị ố vàng mà dễ nhìn hơn loại chưa qua xử lý. Đừng lo, không sao cả". Thắc mắc thời hạn sử dụng, chủ sạp hạt dẻ nói: "Hạn sử dụng một năm".
Mới đây, Phòng cảnh sát môi trường Công an TP.HCM phát hiện một cơ sở ngâm thịt ốc bươu với hóa chất công nghiệp, sau đó cung cấp cho một số chợ và tiệm ăn. Tại cơ sở, cơ quan công an ghi nhận gần 500kg hóa chất và hơn 1,3 tấn thịt ốc bươu đã được ngâm hóa chất. Làm việc với cơ quan công an, chủ cơ sở cho hay ông pha hóa chất ngâm thịt ốc là để làm sạch, tươi bóng và tăng ký trước khi giao cho một số chợ, tiệm ăn.
Trong năm vừa qua, Cục An toàn thực phẩm cho biết cả nước đã xử lý hàng ngàn vụ vi phạm chất lượng, quảng cáo quá mức sản phẩm. Đặc biệt đã có vụ dùng rượu giả làm chết, ảnh hưởng thị lực, ảnh hưởng sức khỏe của 7 người. Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân ngộ độc rượu và rối loạn tiêu hóa là hai dạng ngộ độc gặp nhiều trong dịp tết.
Một vụ việc nghiêm trọng khác là dùng pate chay - sản phẩm của Minh Chay - làm một người chết (nam giới 70 tuổi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã tử vong) và nhiều người nhập viện do yếu cơ, khó thở, khó nói, liệt...
Ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hai đoàn kiểm tra thực phẩm tết bắt đầu đi các địa phương từ ngày 1-1-2021. Đợt kiểm tra sẽ kéo dài đến hết mùa lễ hội xuân. Một thành viên của đoàn kiểm tra cho biết đoàn thứ nhất đã lấy nhiều mẫu hàng tết gửi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, ngày mai 27-1 đoàn thứ hai sẽ "ra quân".
"Dịp tết là thời gian tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, đặc biệt là thịt cá, hạt có dầu, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo... Thời tiết thời điểm này ở phía Bắc thường lạnh và ẩm, phía Nam lại nóng, đều ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm" - ông Phong cho biết.
Cục An toàn thực phẩm cho biết thanh tra viên chủ động kiểm tra trước, trong và sau tết, tại các lễ hội, chú ý các thực phẩm có số lượng sử dụng lớn, đặc biệt sẽ thanh tra nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các vụ sử dụng phụ gia trái phép, tẩy xóa hạn sử dụng để in hạn dùng mới, thực phẩm nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ...
Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho hay qua việc lấy mẫu kiểm tra thực phẩm tại các chợ TP.HCM, kết quả cho thấy số mẫu đạt chuẩn qua test nhanh ngày càng nhiều, chứng tỏ chất lượng thực phẩm ngày càng tăng lên. Tuy nhiên không tránh được tình trạng một số cá nhân lợi dụng sức mua thị trường tết tăng cao để trà trộn hàng kém chất lượng vào bán, đặc biệt là các chợ truyền thống, cơ sở nhỏ lẻ.
Để đảm bảo thực phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, chất lượng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên nhằm tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm tết... Riêng các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức sẽ có tần suất kiểm tra dày đặc hơn.
Tránh hàng bắt mắt, không rõ nguồn gốc
PGS.TS - chuyên gia Trần Hồng Côn cho biết khi chúng ta ăn phải các loại thực phẩm được xử lý hoàn toàn bằng hóa chất công nghiệp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe dù hóa chất đó có thuộc danh mục hóa chất cho phép hay không cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Tùy thuộc loại hóa chất và hàm lượng sử dụng mà sẽ có mức độ tác động sức khỏe khác nhau.
Theo PGS Hồng Côn, loại hóa chất đem ngâm thịt ốc, thường bị phát hiện là loại hóa chất để thụ động bề mặt kẽm trong công nghiệp, nghiêm cấm tuyệt đối sử dụng trong thực phẩm.
Trong những ngày cao điểm mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, PGS Hồng Côn khuyến cáo người dân cần lựa chọn thực phẩm tại các cửa hàng lớn, uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không ham rẻ, mua hàng trôi nổi với vẻ bề ngoài bắt mắt vì khả năng rất cao chúng "ngậm" hóa chất, chẳng hạn ốc thì tươi giòn, thịt thì đỏ dai không bị thâm, măng thì vàng tươi hoặc trắng tươi...
Lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khuyến cáo dịp tết bà con cảnh giác rượu pha cồn công nghiệp, chú ý không uống hoặc nên uống rất ít rượu, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng rượu có mùi vị lạ, không ăn các loại hạt có vị mốc, hôi, lựa chọn thực phẩm có thương hiệu, có tên địa chỉ nhà sản xuất rõ ràng, tươi ngon hoặc có in hạn sử dụng rõ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nhận xét "thời gian gần đây, các vụ ghi nhận thực phẩm ô nhiễm hóa chất, thực phẩm bẩn có giảm". Tuy nhiên thời gian cận Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý, số vụ vi phạm có chiều hướng tăng. Trong đó nổi lên một số vụ vận chuyển, mua bán thịt thăn bò, sườn nhập khẩu hết hạn tại Hà Nội, vận chuyển thịt heo đã bốc mùi, chảy nước (phát hiện tại Hải Dương), vận chuyển thịt và nội tạng heo từ vùng có dịch tả châu Phi tại Hòa Bình... |