(PLO)- "Bắt đầu đổi mới, ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tới Đại hội này, Trung ương phát triển tiếp về mặt tư duy, bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện” - Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – đại biểu Đại hội XIII, đưa ra một số cảm nhận sau khi nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo về các văn kiện Đại hội XIII.
Phóng viên: Một trong những việc quan trọng của Đại hội bầu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII, cá nhân ông có kỳ vọng gì?
+ Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Tôi hoàn toàn đặt niềm tin được dẫn dắt bởi quá trình xây dựng báo cáo chính trị cũng như xây dựng phương án nhân sự BCH Trung ương một cách khoa học và đủ tâm, đủ tầm.
Tôi cũng nghĩ rằng chưa lúc nào mà đất nước của chúng ta phát triển được như bây giờ, như Tổng Bí thư đã trình bày. Cũng chưa khi nào đội ngũ lãnh đạo đất nước ở một thời điểm hết sức rạng rỡ như thế này.
Tôi tin rằng BCH Trung ương mới sẽ đưa đất nước vào chặng đường mới để chúng ta phát triển tốt.
. Ông cảm nhận thế nào về báo cáo của BCH Trung ương khóa XII mà Tổng Bí thư trình bày?
+ Thảo luận về các báo cáo và văn kiện chiều nay, đoàn đại biểu TP.HCM rút ra được nhiều điều khá thú vị.
Đầu tiên, Trung ương đã đánh giá xác thực được tình hình đất nước. Tiếp đó, đưa ra được một số quan điểm không chỉ là sự tổng kết mà là sự phát triển cả về mặt lý luận.
Tôi nói ví dụ về mặt xây dựng Đảng, văn kiện đề cập mấy yếu tố cơ bản. Một là xây dựng Đảng về chính trị, hai là xây dựng Đảng về tư tưởng, và thứ ba – là điểm mới lần này - Trung ương đề cập xây dựng Đảng cả về đạo đức.
Đạo đức với ai? Theo tôi là với chính Đảng của mình và với Nhân dân của mình. Đạo đức ấy gắn với một ngọn cờ lý tưởng mà mình đang theo đuổi, đang bảo vệ.
Điểm thú vị thứ hai là chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh Tổ quốc từ sớm và từ xa, trên cơ sở đại đoàn kết dân tộc, với điểm mới lần này là đoàn kết tôn giáo.
Chúng ta phát triển kinh tế nhưng đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế qua con đường ngoại giao văn hóa để nâng vị thế của đất nước. Phát triển kinh tế nhưng luôn chú ý bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc và bảo vệ chính Đảng của mình.
Điểm thứ ba là qua tổng kết nhiệm kỳ, Trung ương đã nhận thấy kinh tế dân doanh phát triển nhưng vững vàng hay chưa thì cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Do vậy sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là cấp thiết để làm sao chuyển kinh tế đất nước sang giai đoạn mới. Đó là thời kỳ hội nhập sâu, của kinh tế số, xã hội số và kinh tế chia sẻ. Đây là vấn đề hết sức thuận lợi trong bối cảnh cách mạng 4.0. Nhìn ra được như vậy sẽ càng tạo cho kinh tế có bước phát triển mới hơn.
Điểm thứ tư tôi thấy khá thú vị là chúng ta phát huy “dân là gốc”. Bắt đầu đổi mới, ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tới Đại hội này, Trung ương phát triển tiếp về mặt tư duy, bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện”.
Điểm cuối cùng là xây dựng quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, được bổ sung thêm là “xây dựng thế trận lòng dân”. Chứng tỏ rằng chăm lo cho Nhân dân, quyền lợi hạnh phúc của Nhân dân thể hiện xuyên suốt và ngày càng đậm nét.
Qua đó ta xây dựng niềm tin trong Nhân dân về một chính Đảng, niềm tin trong Nhân dân về một thế hệ lãnh đạo, niềm tin trong Nhân dân về sự đổi mới đất nước.