TTO - Cô Lê Thị Hồng Thắm đang chủ nhiệm 13 học sinh tại Trường chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM).

Tình yêu lớn với học trò - Ảnh 1.

Học sinh của cô hầu hết là trẻ chậm phát triển trí tuệ. Dù đã ở tuổi vị thành niên nhưng đứa khá nhất cũng chỉ như trẻ lên tám. Bởi thế, những bài học tưởng chừng đơn giản như đánh vần, cộng trừ... trở thành thách thức rất lớn với học sinh. 

Hôm nay các em có thể nhớ mặt chữ "i, ê" nhưng lại quên chữ "o, a" được dạy cách đây vài ngày. Nhiều em đến 18 tuổi vẫn loay hoay tay đếm số, miệng lẩm nhẩm đánh vần.

Đôi lúc tiết học đột ngột dừng lại vì một học sinh bất ngờ la ó hoặc dùng bạo lực với người xung quanh. Hồi mới vào nghề, những cảnh tượng này khiến cô khá sốc. 

Nhưng rồi thời gian làm cho sức chịu đựng, sự cảm thông và tình yêu thương với những học sinh thiệt thòi ngay từ khi chào đời của cô hơn gấp nhiều lần.

Cậu học trò thường "động tay động chân" nhất cũng là đứa cô thương nhất. Những ngày đầu, em thường manh động. Có lúc đang chuẩn bị cơm cho các em, cô thình lình nhận một cú đánh mạnh của học sinh này vào lưng. 

Cô kiên trì dỗ dành, uốn nắn từng lời, từng hành vi để em biết đâu là vô lễ, đâu là không nên. Đó là những bài học về sự lễ phép mà những học sinh thông thường chỉ cần nhắc qua một hai lần là có thể tiếp thu.

Trong 7 năm ở trường, gia đình học sinh này chỉ muốn cho em học cô Thắm. Ngày vào trường, em thậm chí không thể viết chữ "o", nhưng khi ra trường có thể bập bẹ đánh vần hay cầm bút gò được vài chữ đơn giản. 

Cô tâm niệm không được nóng vội, gặp trường hợp trẻ càng khó tập trung thì càng nên ân cần. "Làm nghề này cho tôi sự kiên nhẫn rất lớn, phải có tình yêu với các em trước rồi mới có thể dạy dỗ sau. Dạy trẻ không phải một ngày một bữa mà được" - cô Thắm nói.

Cô Vũ Thị Cẩm Thúy - hiệu trưởng nhà trường - nói cô Thắm là một trong những nhà giáo kinh nghiệm nhất tại đơn vị mình, được cả học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp yêu mến. 

Ngoài nghiệp vụ vững, cô luôn đưa vào công việc chữ "tâm", chữ "tình" rất lớn. Nhờ vậy, cô có thể chăm chút cho từng học sinh những điều nhỏ nhất.

Cô Thúy kể suốt khoảng thời gian dài, cô Thắm là lao động chính nuôi cả gia đình năm người. 

"Vậy mà cô chưa hề than thở về cuộc sống của mình khó khăn đến như thế. Cô đến trường đi làm bình dị, âm thầm, nhưng chăm sóc học trò thì rất tốt và không bao giờ để chuyện gia đình ảnh hưởng đến công việc" - cô Thúy nhận xét.

TRỌNG NHÂN