Hôm qua 27.1, Đại hội XIII dành cả ngày để tập trung thảo luận về các nội dung của văn kiện trình tại đại hội. 23 ý kiến của các đại biểu đại diện cho các đoàn đã tập trung phân tích, làm sáng rõ các kết quả của nhiệm kỳ khóa XII, cũng như công cuộc đổi mới trong 35 năm qua dưới nhiều khía cạnh.
Toàn cảnh phiên làm việc ngày 27.1 của Đại hội XIII tại hội trường
ẢNH: GIA HÂN
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đã nêu ra nhiều kiến nghị, bổ sung nhiều khía cạnh, góc nhìn vào các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu mà Văn kiện Đại hội XIII đã nêu, với quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển của đất nước.
Thanh Niên trích đăng một số ý kiến tại đại hội.
Đại biểu dự phiên thảo luận nội dung Văn kiện Đại hội XIII ngày 27.1 ẢNH: GIA HÂN |
Chủ tịch ủy ban T.Ư MTTQ Trần Thanh Mẫn: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước
Ảnh: Gia Hân |
Với niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trân trọng và phát huy những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được, Mặt trận nguyện mang hết sức mình, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng - khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, niềm tự hào, tự tôn dân tộc - tự tin, đổi mới, sáng tạo - hun đúc ý chí, bản lĩnh, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng: Dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển
Ảnh: Gia Hân |
Hai vấn đề lớn của văn kiện trình đại hội lần này về mặt lý luận là nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhấn mạnh vai trò của người dân, với quan điểm dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia, vừa thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đấy chính là CNXH. Chúng ta muốn một dân tộc với khát vọng phát triển, vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu; đồng thời là một dân tộc mà người dân được hưởng tự do, được hạnh phúc và mọi người tham gia, mọi người hưởng lợi hay nói đúng hơn là bao trùm bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó chính là CNXH Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Nguy hiểm nhất là suy giảm thế trận lòng dân
Ảnh: Gia Hân |
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, đất nước ta, chúng tôi đánh giá nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ ANTT, lực lượng CAND cần tập trung xây dựng thế trận lòng dân vững chắc về ANTT, phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền an ninh nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang ấy, công an cần phải đoàn kết nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng rộng lớn của nhân dân”. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã trong bảo đảm ANTT tại cơ sở, theo phương châm: “trong dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an”; tập trung xây dựng từng thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang: Xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Ảnh: Gia Hân |
Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, mẫu mực; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo đảm có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; trọng tâm là khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tốt vai trò của quân đội, công an và các lực lượng trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Bổng: Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường
Ảnh: Gia Hân |
Đứng trước thách thức, dự thảo Báo cáo chính trị khẳng định lĩnh vực quốc phòng an ninh tiếp tục được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại… Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành điều chỉnh tổ chức biên chế tinh gọn; đến 2030, một số lực lượng hoàn thành xây dựng hiện đại. Đây là mục tiêu rất cao, để xây dựng quân đội hiện đại, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trước súng sau. Trước hết là con người hiện đại; và phải có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao; tiếp tục đầu tư công nghiệp quốc phòng để tự chủ sản xuất trang thiết bị vũ khí hiện đại, không phụ thuộc vào nước ngoài, sức mạnh quân đội và khả năng bảo vệ Tổ quốc mới được tăng cường.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Kiên định giữ ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng
Ảnh: Đậu Tiến Đạt |
Bên cạnh đó, NHNN cũng tham gia hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Qua đó, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, NHNN đã cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu từng bước hiệu quả. Sở hữu, đầu tư chéo được quan tâm xử lý, tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng được kiểm soát. Nợ xấu được triển khai xử lý đồng bộ, cùng với hạn chế nợ xấu mới phát sinh. NHNN đánh giá nhiệm kỳ 2021 - 2026, tình hình kinh tế diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, Ban Cán sự Đảng NHNN quyết tâm vượt qua, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong: Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Ảnh: Gia Hân |
Thay đổi một nếp nghĩ, hình thành một tư duy đổi mới đòi hỏi sự chuyển động đồng bộ trong cả hệ thống chính trị tỉnh, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng người nông dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp xem thực hiện tuyên truyền về tầm quan trọng này của việc chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” là nhiệm vụ chính trị quan trọng, hướng đến tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và từng bước lan tỏa đến người nông dân. Phải xác định việc chuyển đổi tư duy này là việc chung của cả hệ thống chính trị, chứ không phải việc riêng của ngành nông nghiệp.