Tại buổi họp báo trong nước, quốc tế trước thềm khai mạc Đại hội XIII của Đảng vào chiều 22-1, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, các Hội nghị Trung ương 13, 14, 15 đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách ứng viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII trình Đại hội.
Theo đồng chí Mai Văn Chính, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 người, gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có số dư từ 10-15%. Đại hội có thể đề cử, giới thiệu thêm nhưng số dư không quá 30%. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ xem xét trường hợp "đặc biệt" tái ứng cử và giới thiệu lần đầu.
Trong danh sách đề cử, Trung ương khóa XII đã giới thiệu một số Ủy viên Trung ương khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp "đặc biệt" tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khoá XIII và danh sách đề cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIII.
“Trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới xuất phát từ tình hình thực tiễn và căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và nhân dân, cũng như yêu cầu, đòi hỏi ở các vị trí đặc biệt quan trọng, lĩnh vực trọng yếu của các cơ quan Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, tổng thể, theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để lựa chọn một số nhân sự trường hợp "đặc biệt" cả tái ứng cử và giới thiệu lần đầu để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định.
Bên lề Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao đổi nhấn mạnh, nhân sự Đại hội XIII của Đảng quan trọng nhất là bảo đảm tiêu chuẩn. Vấn đề cơ cấu có tính toán nhưng tiêu chuẩn là chủ yếu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Sau tiêu chuẩn mới là vấn đề yếu tố vùng miền, lĩnh vực, ngành, độ tuổi..
Cũng theo đồng chí Hầu A Lềnh, Hội nghị Trung ương 15 có xác định tăng cường Ủy viên Trung ương ở lĩnh vực, địa bàn trọng yếu.
“Quan điểm của Đảng ta các lĩnh vực, địa bàn đều có các đồng chí Ủy viên Trung ương để đại diện, được Đảng phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn. Mỗi kỳ đại hội đều xác định địa bàn lĩnh vực trọng yếu. Địa bàn quan trọng, trọng yếu xác định là đối ngoại, an ninh, quân đội, các ngành lĩnh vực quan trọng của đất nước”, đồng chí Hầu A Lềnh nói.
Ví dụ như với lĩnh vực quân đội, tất cả các quân khu đều có Ủy viên Trung ương; lĩnh vực công an thì một số Thứ trưởng công an, lực lượng quan trọng cũng là Ủy viên Trung ương; lĩnh vực đối ngoại cũng tương tự.
“Đại hội XII cũng như lần này đều tính đến yếu tố đó khi chuẩn bị số lượng Ủy viên Trung ương Đảng giới thiệu ra Đại hội”, đồng chí Hầu A Lềnh cho biết.
Theo lịch làm việc, đại hội sẽ bắt đầu bàn công tác nhân sự từ chiều 28-1. Đoàn Chủ tịch sẽ báo cáo đại hội đề án nhân sự. Sau đó, các đoàn sẽ thảo luận tại đoàn của mình, xem xét hồ sơ.
Tiểu ban Nhân sự và Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ cung cấp rất đầy đủ hồ sơ từng ứng viên để các đoàn đại biểu có thời gian xem xét kỹ lưỡng từng trường hợp. Trên cơ sở đó, các đoàn sẽ thảo luận cơ cấu, số lượng, thành phần, từng đồng chí ứng viên và lựa chọn theo đề án nhân sự được trình ra.
Thời gian dành cho thảo luận công tác nhân sự là 3 ngày, như vậy là rất đủ thời gian để các đại biểu nghiên cứu đầy đủ nhất hồ sơ từng ứng viên để lựa chọn một cách chính xác.
Sau khi bầu xong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ họp phiên thứ nhất để bầu các chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng.
Cũng theo đồng chí Hầu A Lềnh, đại biểu tham dự đại hội đều có quyền ứng cử, đề cử.
|
PHAN THẢO - TRẦN LƯU |