TTO - Nhiều hoạt động từ nay đến tết tại TP.HCM vẫn tiếp tục theo quy tắc 5K, trường hợp cần thiết thì thành phố sẽ điều chỉnh. Trong khi đó Hà Nội thông báo phạt nghiêm nếu không đeo khẩu trang.
"Không chủ quan lơ là, không làm quá để mọi người hoang mang"
'Không chủ quan lơ là, không làm quá để mọi người hoang mang lo lắng", ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định tại cuộc họp do UBND TP.HCM tổ chức sáng 30-1 và cho biết TP.HCM đã có các kịch bản để ứng phó với từng tình hình cụ thể.
Ông Võ Văn Hoan đánh giá virus corona biến thể rất độc, phát tán nhanh, lan truyền rộng. Do đó việc kéo dài thêm thời gian cách ly, tầm soát và mở rộng quy mô truy vết là việc hết sức bình thường. Và tất cả người dân TP cần phải ý thức đó là điều bình thường để thực hiện nghiêm túc vì sức khỏe bản thân, cộng đồng.
"Trong vòng 48 tiếng, các cơ quan ban ngành của TP, quận huyện đã nghiêm túc kích hoạt lại các quy định tại từng đơn vị và chuẩn bị các kịch bản có thể ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.
Dù ở thế bị động nhưng đến thời điểm này tôi khẳng định TP.HCM chưa có dịch bệnh mà chỉ có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Và chúng ta đã đón lõng, truy vết được và khống chế được", ông Hoan nhấn mạnh.
Ông đề nghị các đơn vị thực hiện 8 nội dung, trong đó đặc biệt chú ý tập trung tổ chức truy vết trường hợp bệnh nhân (có thể mở rộng ra đến F3, F4), đặc biệt như ca vừa phát hiện nhiễm COVID-19, và nhanh chóng kết nối với các trường hợp liên quan đến các tỉnh để kịp thời ứng phó xử trí.
Đề nghị UBND các quận, huyện lưu ý các tụ điểm vui chơi như quán bar, karaoke, khu vui chơi giải trí... phải kiểm tra đôn đốc, đảm bảo an toàn theo quy tắc 5K và sắp tới các nơi này phải đưa hoạt động này vào thường quy để đảm bảo an toàn.
Ông Hoan khẳng định đến thời điểm hiện tại, tất cả các lễ hội, hội nghị, các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội vẫn phải tổ chức bình thường. Tuy nhiên ông lưu ý trong điều kiện thực tế, các cơ quan, đơn vị nên lưu ý, tự xem xét cái nào có thể thu gọn, hoặc tạm thời chưa hoạt động...
Người dân vui chơi tại Lễ hội Tết Việt diễn ra tại công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) từ ngày 21 đến 24-1-2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Phải tính toán cả về chính trị và kinh tế. Không nên vì một lý do nào đó mà dừng mọi hoạt động ảnh hưởng đến tình hình chính trị, kinh tế và nhu cầu, lợi ích của người dân. Tất cả các hoạt động từ nay đến tết phải diễn ra bình thường, và tất cả phải đáp ứng quy tắc 5K. Và tùy vào tình hình thực tế sẽ có sự điều chỉnh khi cần thiết", ông Hoan lưu ý.
Trước đó, Sở Văn hóa thể thao TP.HCM đề xuất tạm dừng nhiều hoạt động kỷ niệm từ nay đến cuối năm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết từ chiều 28-1 đơn vị đã kích hoạt báo cáo hằng ngày ở các đơn vị lữ hành, các khách sạn và các điểm du lịch.
Đến nay ghi nhận có 1.253 khách từ TP.HCM đến các địa phương Quảng Ninh, Hải Dương và đơn vị đã lập danh sách chuyển Sở Y tế TP.HCM. Ngoài ra, khách lưu trú tại các khách sạn TP.HCM liên quan đến 2 tỉnh này có 155 người. Đơn vị đã lập danh sách rà soát báo cáo kịp thời cho đơn vị chuyên môn xử lý.
Về các hoạt động cuối năm, bà Hoa cho biết đơn vị đã có chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh các hoạt động tất niên cuối năm. "Hàng loạt khách sạn nhận được thông tin hủy tiệc tất niên vào cuối năm. Mặc dù có ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh nhưng các khách sạn đều hiểu và chấp hành", bà Hoa khẳng định.
Ngoài ra theo bà Hoa, dịch bệnh bùng phát ở hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh khiến các doanh nghiệp lữ hành đều ảnh hưởng. Không chỉ riêng chặng liên quan đến hai tỉnh này mà hầu như tất cả các tỉnh đều ảnh hưởng. Và đơn vị đã có văn bản kiến nghị 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành một cách tốt nhất.
Trong khi đó bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn về việc xử lý các kinh phí phòng, chống dịch. UBND TP đang yêu cầu tập hợp các ý kiến của các đơn vị để có phương án giải quyết. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cần có hướng dẫn thống nhất cho các địa phương thực hiện cân đối, đảm bảo có nguồn lực cho các hoạt động trang bị thiết bị y tế, hậu cần cho phòng chống dịch.
Ông Võ Văn Hoan nói đối với việc tổ chức các khu cách ly, khu lưu trú có thu phí, bên cạnh báo cáo cho UBND TP, các ngành, địa phương tự rà soát, tự chịu trách nhiệm về tổ chức vận hành, bố trí lực lượng, trong đó có vấn đề kinh phí.
"Ngành nào được phân công nhiệm vụ thì phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, trong đó có con người, cơ sở vật chất và vấn đề tài chính. Chịu trách nhiệm cho đến khi thanh toán quyết toán", ông Hoan nhấn mạnh.
Hà Nội phạt nghiêm nếu không đeo khẩu trang
Tại trường Wellspring Hà Nội, toàn bộ giáo viên, học sinh cũng như khách đến trường bắt buộc phải đeo khẩu trang và đo kiểm tra nhiệt độ - Ảnh: T. HÀ
Bắt buộc làm xét nghiệm với người đến từ vùng dịch Quảng Ninh, Hải Dương, xử phạt nghiêm người dân ra đường và đến các địa điểm công cộng mà không đeo khẩu trang, huy động toàn dân phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép...
Đó là những biện pháp được Hà Nội áp dụng để tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Hà Nội yêu cầu người dân đi từ vùng dịch của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) về Hà Nội từ ngày 14-1 đến nay phải thực hiện khai báo và đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm.
"Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ việc đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, tại nơi công cộng, khu di tích, điểm tham quan du lịch, công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, bến tàu, bến xe, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa thể thao tại nơi công cộng, sân vận động" - Sở Thông tin và truyền thông nêu rõ trong văn bản gửi tới các quận huyện.
Thành phố cũng yêu cầu người dân hạn chế tối đa tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội, chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm quy định phòng chống dịch.
Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân, huy động các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền đến từng hộ gia đình, phát hiện tố giác những trường hợp không chấp hành việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và thành phố, đặc biệt phát giác và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Hà Nội cũng yêu cầu người dân thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), đồng thời cài đặt và sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone để hỗ trợ công tác truy vết.
Trước đó, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bên cạnh việc đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới thì cũng phải khuyến khích phát triển kênh bán hàn và sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến để góp phần hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Thành phố cũng khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công mức độ 3, 4 được cung cấp ở cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố để hạn chế tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc.