TTO - Đó là một trong những quy định mới trong Nghị định 148/2020 có hiệu lực thi hành từ 8-2. Bên cạnh đó, nhiều chính sách mới như bỏ cấm ca sĩ hát nhép, nộp 3/4 tài sản tham nhũng có thể thoát án tử...
Có thể làm sổ đỏ tại nhà?
Trước đây, Nghị định 43/2014 (hướng dẫn luật đất đai 2013) chỉ quy định Văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ. Nghị định 148 bổ sung thêm Chi nhánh văn phòng đất đai.
Như vậy, Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ.
Bên cạnh đó, Nghị định 148 còn quy định Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo đó thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Như vậy, người dân sẽ được lựa chọn thời gian, địa điểm nếu có nhu cầu.
Bỏ cấm ca sĩ hát nhép
Nghị định 144/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, có hiệu lực từ 1-2, đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012.
Như vậy, hiện nay chỉ còn 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn: chống Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, xâm phạm an ninh quốc gia, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, kích động bạo lực, biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục...
Bên cạnh đó, nghị định này đã bỏ quy định karaoke, vũ trường chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành tại Điều 6 Nghị định 54/2019. Như vậy từ 1-2, quán karaoke được sử dụng bài hát trước 1975 chưa phổ biến...
Người trực chốt kiểm dịch COVID-19 là người có chức vụ
Khoản 2, Điều 352 BLHS quy định người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, có hiệu lực 15-2, hướng dẫn rõ hơn trường hợp "do một hình thức khác", tức là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó.
Ví dụ: người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia trực tại chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đối với nhóm tội tham nhũng, HĐTP đã hướng dẫn cụ thể thế nào là lợi ích vật chất khác, thế nào là lợi ích phi vật chất. Theo đó, lợi ích vật chất khác quy định tại các điều 354, 358, 364 và 366 của Bộ luật hình sự là lợi ích vật chất không phải là tài sản. Ví dụ: hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch...
Còn lợi ích phi vật chất quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của Bộ luật hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ: hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục...
Ngoài ra, nghị quyết cũng hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ. Cụ thể, chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội.
Trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ.
Bên cạnh đó, trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.