Quân đội Myanmar hiện kiểm soát đất nước sau khi bắt giữ tổng thống, cố vấn nhà nước cùng nhiều thành viên cấp cao trong đảng cầm quyền.
Lực lượng vũ trang phong tỏa con đường dẫn vào tòa nhà quốc hội ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar ngày 1.2 /// AFP
Lực lượng vũ trang phong tỏa con đường dẫn vào tòa nhà quốc hội ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar ngày 1.2
AFP
 
Tờ The Myanmar Times đưa tin quân đội Myanmar sáng 1.2 bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một số quan chức khác của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng giành chiến thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020. Phát ngôn viên Myo Nyunt của NLD cho biết bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint bị giam giữ ở thủ đô Naypyidaw.
 
Quân đội Myanmar cho rằng cuộc tổng tuyển cử trên có gian lận và quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm. Theo Reuters dẫn thông báo của quân đội Myanmar, toàn bộ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được trao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, trong khi Phó tổng thống U Myint Swe sẽ làm tổng thống tạm quyền. Chính quyền mới do quân đội kiểm soát đã cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng trong chính quyền cũ, thay vào đó bổ nhiệm 11 người mới vào các bộ Tài chính, Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ…, theo Reuters. Ngoài ra, toàn bộ chức năng lập pháp của quốc hội sẽ bị tạm hoãn từ ngày ban bố tình trạng khẩn cấp. Quân đội cũng cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới và chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc.
 
Động thái trên diễn ra sau khi quân đội Myanmar ngày 26.1 ra tối hậu thư yêu cầu Ủy ban Bầu cử liên hiệp (UEC) giải quyết cáo buộc gian lận về danh sách cử tri. UEC phủ nhận có gian lận, khẳng định bầu cử diễn ra công bằng, đáng tin cậy và “phản ánh ý nguyện của người dân”. Tuy vậy, hơn 280 cáo buộc đang được điều tra và Tòa tối cao Myanmar bắt đầu xử lý khiếu nại về bầu cử từ ngày 29.1.
 
Trong ngày 1.2, bà Suu Kyi - lãnh đạo đảng NLD - được cho là kêu gọi người dân biểu tình phản đối động thái của quân đội. “Hành động của quân đội đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài. Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này, hãy biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội”, bà Suu Kyi nói trong tuyên bố được soạn trước khi bị bắt, do NLD công bố ngày 1.2, theo Reuters.
LHQ, EU, Mỹ, Úc, Anh và nhiều nước khác lên án cuộc chính biến, kêu gọi khôi phục nền dân chủ. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hối thúc giới quân sự Myanmar tôn trọng mong muốn của người dân, theo Reuters.
 
Cũng theo Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho rằng chính biến tại Myanmar là vấn đề nội bộ của Myanmar, đồng thời từ chối bình luận.
 
Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình
 
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 1.2, trả lời câu hỏi của PV về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến gần đây tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.  
 
Vũ Hân