TTO - Từ ngày 27-1 đến nay, có 271 ca COVID-19 ở 10 tỉnh thành. Nhưng dù có diễn biến phức tạp, tình hình cơ bản được kiểm soát, theo đánh giá của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo như trên khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 2-2, phiên họp diễn ra sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc, với kết quả thành công tốt đẹp.
Tại phiên họp hôm nay, các thành viên Chính phủ sẽ nghe báo cáo về tình hình đất nước trong tháng đầu tiên của năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đặc biệt, Chính phủ cũng sẽ thảo luận những giải pháp tăng trưởng 6 tháng đầu năm và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có giải pháp nhanh chóng khoanh ổ dịch
Thủ tướng đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Chính phủ về tình hình và các giải pháp lớn khi khoanh ổ dịch COVID-19, truy vết, xét nghiệm diện rộng, dừng một số hoạt động, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt….
"Mặc dù còn có diễn biến phức tạp, tình hình cơ bản được kiểm soát. Tôi đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý I này" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Báo cáo tình hình dịch, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay đã ghi nhận thêm 5 ca COVID-19, gồm có ba ca ở Quảng Ninh, hai ca ở Hải Dương và Hà Nội, nâng tổng số ca nhiễm 6 ngày lên 276 ca.
Như vậy, đến sáng 2-2 Hải Dương ghi nhận 207 ca nhiễm, bao gồm Quảng Ninh 33 ca, Hà Nội 20 ca, Gia Lai có 6 ca, Bắc Ninh có 3 ca, Hòa Bình có 2 ca, Bình Dương 2 ca và TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang mỗi nơi một ca.
Hai địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh gồm Quảng Ninh và Hà Nội, số ca ở Hải Dương giảm. Bộ Y tế đã tăng cường hơn 1.200 cán bộ y tế đến Hải Dương, nay tình hình dịch ở địa phương này cơ bản được xử lý.
Ông Long cũng thông tin, đã trao đổi với Quảng Ninh ngay trong sáng nay, có thể thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại huyện Đông Triều, và lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
Tuy vậy, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn còn phức tạp, có thể kéo dài hơn so với dự kiến.
Ứng phó trước tác động của dịch bùng phát
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận các biện pháp chỉ đạo điều hành trước tác động của ổ dịch COVID-19 mới đối với nền kinh tế, nhấn mạnh việc tận dụng thời cơ, thu hút dòng vốn các tập đoàn công nghệ như Foxconn, mở rộng quy mô đầu tư như Intel, Samsung, Thủ tướng nêu rõ tinh thần không đảo ngược chính sách, tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam.
"Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế", Thủ tướng nói.
Một vấn đề lớn nữa mà Thủ tướng lưu ý phải lo Tết cho nhân dân chu đáo, nhất là vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng bị phong tỏa do có dịch. "Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết, phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị các nguồn lực", bao gồm các siêu thị lớn, các thành phố lớn, đặc biệt là các địa phương, như chuẩn bị hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ.
Về tình hình tháng 1, có nhiều chỉ số đáng mừng, nhất là các chỉ số quan trọng như tăng trưởng sản xuất công nghiệp (hơn 22%), đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo (hơn 27%). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 45%, mức tăng kỷ lục. Xuất siêu, giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới… cũng là những điểm đáng mừng của nền kinh tế tháng 1 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. |
NGỌC AN