Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trong lúc đợi lên máy bay, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - chia sẻ trước lúc lên đường, đơn vị có tham gia họp trực tuyến với UBND tỉnh Gia Lai, Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên... để nắm tình hình, xác định các nhiệm vụ cần thực hiện.
"Quan trọng là hiệu quả của công việc, thành phần đi là đại diện, còn phía sau là các cán bộ của viện, Bộ Y tế, các viện và cả hệ thống y tế" - PSG.TS Phan Trọng Lân nói.
TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết do tình huống cấp bách, từ 5h sáng nay, lực lượng phản ứng nhanh của đơn vị đã lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai.
Cụ thể có 3 thành viên gồm TS.BS Phùng Mạnh Thắng - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ - phó khoa bệnh nhiệt đới và bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy - khoa hồi sức cấp cứu.
Lên Gia Lai, đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ hướng dẫn quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, sắp xếp phân luồng cách ly, chuẩn bị phòng mổ cho bệnh nhân COVID-19, quản lý điều trị. Đặc biệt trong điều kiện bệnh viện bị phong tỏa cần phải sắp xếp luồng đi như thế nào cho an toàn.
"Tôi chủ động đăng ký trong danh sách sẵn sàng có mặt lên đường trong vòng hai tiếng nếu được gọi. Đây là việc chung và mình đã chuẩn bị mất tết trong năm nay nên khi được điều động chi viện không có gì bất ngờ cả", bác sĩ Thơ chia sẻ và không khỏi thận trọng bởi đợt này là virus biến thể, do đó có thể diễn biến lâm sàng thay đổi, độ nặng và độ lây lan sẽ mạnh hơn.
Mang theo các trang thiết bị cần thiết - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Trước đó vào chiều 2-2, ngay khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã kết nối làm việc trực tuyến với Sở Y tế tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Đa khoa Gia Lai để kiểm tra phía địa phương có nhu cầu cấp thiết gì về con người hay trang thiết bị để chủ động chuẩn bị.
"Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh phòng chống dịch COVID-19, còn về chuyện ăn tết đó là việc cá nhân và anh em bác sĩ sẵn sàng gác tết sang một bên để chống dịch", TS.BS Thức chia sẻ.