SGGPO - Tại Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua số lượng đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 207 đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị sáng 4-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị sáng 4-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), thực hiện Nghị quyết liên tịch số 09 ngày 15-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 4-2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử ĐHQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Hội nghị được trực tuyến tới 5 điểm cầu TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, cuộc bầu cử ĐHQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm tiếp tục góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Căn cứ kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Theo quy định, để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, Hội nghị Hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần. Tiếp đây, hội nghị Hiệp thương lần 2 sẽ xong trước ngày 19-3; hội nghị Hiệp thương lần 3 xong trước ngày 18-4.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, để thực hiện công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao, các cụ, các vị, các đồng chí cho ý kiến vào dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tờ trình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về cơ cấu, thành phần, số lượng người ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV ở khối Trung ương là 207 đại biểu ảnh 1Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử làm ĐBQH khóa XV, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, số lượng ĐBQH khóa XV là 500 người. Trong đó, số lượng, cơ cấu thành phần ĐBQH ở Trung ương là 207 đại biểu chiếm 41,4%; số lượng ĐBQH ở địa phương là 293 đại biểu chiếm 58,6%.

Số lượng ĐBQH ở địa phương được phân bổ theo cơ cấu định hướng gồm 220 đại biểu chiếm 44% và cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu là 73 đại biểu chiếm 14,6%.

Trình bày Tờ trình về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, số lượng đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV là: 207 đại biểu chiếm 41,4% (khóa XIV là 198 đại biểu, chiếm 39,6%). Trong đó, cơ cấu đại biểu của các tổ chức, đơn vị, cơ quan ở Trung ương được giới thiệu bao gồm: Các cơ quan Đảng: 10 đại biểu (Khóa XIV 11 đại biểu); Cơ quan Chủ tịch nước: 3 đại biểu (Khóa XIV 3 đại biểu); Cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương): 133 đại biểu (Khóa XIV là 114 đại biểu); Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an): 15 đại biểu (Khóa XIV là 18 đại biểu); Lực lượng vũ trang: Quân đội là 12 đại biểu (Khóa XIV là 15 đại biểu) và Công an là 2 đại biểu (Khóa XIV 3 đại biểu); Tòa án Nhân dân tối cao 1 đại biểu (Khóa XIV 1 đại biểu); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: 1 đại biểu (Khóa XIV 1 đại biểu); Kiểm toán Nhà nước: 1 đại biểu (Khóa XIV 1 đại biểu); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (Khóa XIV 31 đại biểu) trong đó có đại biểu phụ nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử, đại biểu nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu.

Tại hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, cho ý kiến vào cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Từ ý kiến thảo luận, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua số lượng đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV là: 207 đại biểu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng, doanh nhân, nhân sĩ, trí thức, những người làm trong lĩnh vực giáo dục, khoa học..

Phát biểu tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do đó, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số lượng, cơ cấu ĐBQH khóa XV được dự kiến trên cơ sở đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu hợp lý. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại các hội nghị hiệp thương trước đây, số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp trong Quốc hội lần này đã giảm so với khóa XIV (bao gồm cả Trung ương và địa phương), đồng thời cũng giảm đều ở các cơ quan. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến số lượng đại biểu ở Trung ương là 207 đại biểu và số lượng ĐBQH ở địa phương 293 đại biểu (cơ cấu định hướng 220 đại biểu và cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu 73 đại biểu). Cơ cấu kết hợp phấn đấu đại biểu là người ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu; đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 đại biểu;  đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu. Đại biểu là người dân tộc thiểu số bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số. Chú ý đến các dân tộc ít người chưa tham gia ĐBQH. Đại biểu là phụ nữ bảo đảm tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ.