Việc lắp đặt camera giám sát giao thông được kỳ vọng nâng cao ý thức người dân, giảm thiểu tai nạn, minh bạch quy trình xử phạt của CSGT...
Ưu tiên Hà Nội, TP HCM và Quốc lộ 1
Tổng kinh phí thực hiện đề án là khoảng 2.150 tỉ đồng. "Nguồn vốn thực hiện đề án là ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chính phủ khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan khác đã được triển khai để thực hiện nhiệm vụ" - đề án nêu rõ.
Trước mắt, đề án sẽ tập trung tại Hà Nội, TP HCM và tuyến Quốc lộ 1. Đối với các tuyến cao tốc mới, hệ thống camera cũng sẽ là thành phần bắt buộc trước khi đi vào vận hành.
Đề án đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông.
Theo đó, đề án gồm 3 dự án. Dự án thứ nhất là đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu dùng chung, phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu camera với kinh phí khoảng 850 tỉ đồng. Chủ đầu tư là CSGT.
Dự án 2 là nâng cấp Trung tâm Thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng CSGT Công an TP Hà Nội với kinh phí khoảng 650 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công an TP Hà Nội.
Dự án 3 là nâng cấp Trung tâm Thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm cho Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP HCM, với kinh phí khoảng 650 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công an TP HCM.
Trung tâm Giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Cục CSGT
Các dự án này sẽ tập trung xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh để quản lý tập trung toàn bộ camera giám sát của TP (huy động tối đa các camera giám sát của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã lắp đặt); điều phối toàn bộ hoạt động giao thông và tự động giám sát an ninh trật tự trên địa bàn; tích hợp bản đồ số quản lý các camera lắp đặt trên địa bàn TP và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện khuôn mặt, nhận diện biển số xe, giám sát các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông và các đối tượng cần kiểm soát...
CSGT sẽ hạn chế ra đường
Lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đề án sẽ đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ vào xử phạt, quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, giúp giảm thiểu sự có mặt trực tiếp của CSGT trên đường. Đề án sẽ xây dựng, chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt, trang bị các hệ thống giám sát trên toàn quốc để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình chia sẻ, kết nối hình ảnh, dữ liệu.
Theo quy định hiện hành, chưa bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới. Do vậy, chỉ một số tuyến cao tốc mới như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được nhà thầu lắp đặt. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp, trích xuất xử lý còn hạn chế. Trong đề án này, Chính phủ quy định việc lắp đặt hệ thống giám sát là điều kiện bắt buộc với mỗi nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình thiết kế, xây dựng các tuyến đường, cao tốc mới. "Việc lắp đặt được làm từ đầu, cùng thời điểm xây mới cao tốc sẽ vừa giảm được nhiều công đoạn, chi phí và có thể khai thác được sớm, mang lại nhiều lợi ích" - đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Về hiệu quả của việc lắp đặt camera, đại diện Cục CSGT kỳ vọng sẽ góp phần làm hạn chế hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường phạt nguội, hạn chế xử phạt thủ công sẽ bảo đảm được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Ngoài ra, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay. CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính và chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...
Giám sát kỹ để hiệu quả cao Ủng hộ đề án, ông Bùi Danh Liên (nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho rằng việc CSGT đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc là việc làm cần thiết để phát triển đô thị văn minh, tiên tiến. "Việc lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc sẽ tạo hành lang pháp lý cho CSGT xử lý vi phạm, giúp CSGT đỡ phải ra đường. Từ đó, CSGT đỡ phải tiếp xúc với tài xế, tránh được tiêu cực, tham nhũng và nâng cao được trách nhiệm, bảo vệ được danh dự của người CSGT" - ông Liên phân tích. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng việc lắp đặt hệ thống camera "phạt nguội" còn một số vấn đề vướng mắc cần xem xét như hệ quả từ việc quản lý, xử phạt xe chính chủ, xe không chính chủ, xe cho thuê... "Khi triển khai đề án, đơn vị chủ đầu tư cần có lộ trình cụ thể để tránh sự thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, cơ quan chức năng, người dân cũng cần giám sát kỹ để đề án mang lại hiệu quả cao" - ông Liên góp ý thêm. |