Nhiều người con xa xứ quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết Nguyên đán năm nay để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh theo kêu gọi của Chính phủ.
Quyết định ở lại Sài Gòn đón tết, nhiều người tranh thủ đi mua sắm vào những ngày cận tết
ẢNH: M.P
Lần đầu tiên sau 25 năm ở lại Sài Gòn ăn Tết
Chiều 5.2, chị Phan Nam Bình (Q.3, TP.HCM) đã hoàn tất việc trả, nhận voucher hoàn vé máy bay tết vì quyết định không về Đà Nẵng dịp tết này của cả gia đình. Chị Bình thở phào nói: “Mấy hôm nay cứ quay cuồng với vụ trả vé mà hết ngày giờ, bởi lượng người trả vé nhiều quá, nay vậy yên tâm rồi. Hãng bay đã xác nhận mã voucher để mua lại vé dịp sau. Hai ngày cuối tuần sẽ tiếp tục dọn dẹp nhà cửa và sang đầu tuần sau (27 tết, ngày 8.2) mới mua hoa quả chưng 3 ngày tết”.
Hơn 50% khách trả vé tàuTại buổi kiểm tra hoạt động vận tải tết do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì chiều qua, 5.2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt VN, cho biết dịch Covid-19 bùng phát lại tại một số địa phương vào cận tết khiến lượng hành khách di chuyển bằng tàu hỏa giảm mạnh. Sản lượng hành khách trên những chuyến tàu có sức chở 500 hành khách hiện chỉ còn khoảng 30%. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hành khách đã đặt vé đột ngột hoãn chuyến/đổi vé. Hiện tại, trong 200.000 vé bán ra, đã có khoảng 50% hành khách đề nghị hoàn trả vé.
Đường sắt cũng vừa thông báo bãi bỏ hàng loạt tàu tết do khách trả vé, nhu cầu đi lại giảm vì sợ dịch Covid-19.
Với các bến xe vận tải khách liên tỉnh, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, cho biết do diễn biến phức tạp mới của bệnh dịch, hành khách đã chủ động hạn chế đi lại nên lượng khách qua bến giảm mạnh. Theo ông Toàn, qua kết quả phục vụ kỳ cao điểm trước 23 tháng chạp, công ty nhận định lượng khách từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có xu hướng giảm và chỉ tăng vào các ngày 27, 28, 29 tháng chạp (tăng khoảng 130% so với ngày thường).
Mai Hà
|
Câu chuyện quyết định ở lại Sài Gòn ăn tết của gia đình chị Bình khá “cồng kềnh”. Chị kể, mọi năm thường mua vé về Đà Nẵng trước 1 - 3 tháng, năm nay do dịch Covid-19 nên chần chừ, đợi đến ngày 25.1 mới “chốt hạ” đặt 3 vé khứ hồi cho cả nhà, ai ngờ 3 ngày sau bùng phát dịch trở lại, bắt đầu từ Hải Dương và Quảng Ninh. Thực tế, những người Đà Nẵng sống xa quê vẫn nườm nượp về quê ăn tết, nhưng chị Bình cho hay, do trong nhà có người bị nhiều bệnh nền (tim, huyết áp, đường máu cao...) nên quyết định không đến chốn đông người dịp này. Hơn nữa, hồi tháng 7, gia đình chị đưa con ra Đà Nẵng nghỉ hè cũng bị “kẹt” lại đó hơn 2 tháng do dịch bùng phát tại Đà Nẵng. Đến ngày 10.9 mới vào, con trai đi học trễ một tuần.
“Nội ngoại đều ở Đà Nẵng, 25 năm qua, năm nào cũng đưa cháu về đón tết cùng hai bà”, chị Nam Bình chia sẻ.
Tối cúng đưa ông Táo về trời (23 âm lịch), anh Nguyễn Hải Nam (TP.Thủ Đức) cũng quyết định sẽ không đưa vợ con về Huế ăn tết dịp này. Dù biết rõ chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ cách ly người về từ vùng dịch do Bộ Y tế công bố, thế nhưng do có 3 đứa con nhỏ và lại được người thân ở Huế khuyên không nên về, anh Hải Nam quyết định ở lại Sài Gòn đón tết.
Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm lập nghiệp xa nhà, tôi đón tết cùng gia đình nhỏ tại TP.HCM. Bước qua cảm giác buồn vì không được về quê, sum họp cùng ba mẹ, anh chị em hai bên, nay hai vợ chồng lại có cảm giác nhẹ nhõm và thong dong hơn rất nhiều. Bởi mọi năm, những ngày chuẩn bị về tết, việc nhà, việc cơ quan, xếp hành lý, chuẩn bị quà cáp... cứ cuống hết lên”.
Tuy nhiên, không ít trường hợp hoàn toàn bị động, bắt buộc phải ăn tết xa quê dù... không muốn. Mai Anh (quê tỉnh Hải Dương), hiện đang làm kế toán cho một doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn tại Đồng Nai, không thể về quê ăn tết năm nay. Ngày 2.2 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương đã có quyết định thiết lập cách ly y tế toàn bộ TP.Chí Linh, nơi có gia đình bố mẹ, anh chị em của Mai Anh sinh sống nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
“Chấp nhận thôi. Điều chúng tôi được an ủi là người thân của mình vẫn bình yên ngay trong thành phố đang bị phong tỏa vì dịch”, Mai Anh bộc bạch.
|
Quyết định ở lại Sài Gòn đón tết, nhiều người tranh thủ đi mua sắm vào những ngày cận tết ẢNH: KHẢ HÒA |
Chuẩn bị những món ngon truyền thống
Sáng 5.2, một nhóm bạn của chị Hạnh Mỹ gặp nhau cuối năm tại quán cà phê khu vực trung tâm Q.1. Chủ đề chính của cuộc gặp này là ai còn ở lại ăn tết Sài Gòn và ai về quê trong tình hình hiện nay. Hầu hết mọi người đều buộc phải thay đổi kế hoạch và ở lại Sài Gòn thay vì đi Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột... như những năm trước. Đặc biệt, có rất nhiều người trong nhóm năm nay là lần đầu tiên bị buộc ở lại ăn tết tại Sài Gòn nên đang cảm thấy “nhức đầu” để suy nghĩ việc mua sắm, trang trí nhà cửa thế nào.
Chỉ duy nhất có chị Hạnh Mỹ dù cũng bị buộc phải hủy vé máy bay về Đà Nẵng, nhưng vốn có kinh nghiệm từng ăn tết Sài Gòn vài lần nên trở thành “chuyên gia tư vấn” các món ăn ngày tết. Chẳng hạn, nhà có 4 người nếu thích ăn bò thì mua khoảng 2 kg và phân ra thành 3 loại để làm bít tết, bò lúc lắc và phần ít để xào chua ngọt; Hay chuẩn bị món thịt heo ngâm nước mắm, giò chả, bánh tét và bánh chưng, củ kiệu dưa hành. Tất nhiên trong nhà cũng phải có 1 - 2 con gà vừa để cúng vừa ăn...
“Mà sau bao nhiêu năm tích trữ lương thực thì giờ cũng rút kinh nghiệm là mua vừa phải. Mùng 2 tết các siêu thị, chợ đã mở cửa trở lại nên cũng không thiếu hàng. Hơn nữa nhiều hàng quán cũng phục vụ suốt tết nên tha hồ đổi món”, chị Hạnh Mỹ kết luận.
Chị Nam Bình thì cho biết do bố chồng dù đã mất nhưng gốc người miền Bắc, nên mâm cơm cúng ngày 30 không thể thiếu các món “đinh” của ẩm thực miền Bắc như thịt nấu đông, măng nấu miến... Còn hoa chưng trong nhà, chắc chắn sẽ chọn hoa có gam màu đỏ, biểu tượng sự may mắn cả năm như hoa lay ơn, hoa đào, hoa hồng nhung...
“Chồng tôi mọi năm lại thích mai cúc của Bình Định, có thể anh ấy chọn mua một chậu mai cúc nữa. Tuy nhiên, quan điểm chung của hai vợ chồng là hạn chế đi lại tối đa trong dịp tết này, mặc dù tại TP.HCM, gia đình cũng có nhiều người thân nội ngoại hai bên, song sẽ hạn chế thăm viếng”, chị Bình cho biết.
Còn anh Hải Nam (gốc Huế) cho biết gia đình đã kịp đặt mua dưa món, củ kiệu, bánh in tại một cửa hàng người Huế bán trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Bánh chưng thì sẽ tập tành gói và nấu vào ngày 27 tết (8.2). Anh Nam chia sẻ: “Tôi thường nghe bạn bè đón tết xa quê nói, ở Sài Gòn, cứ tổ chức nấu một nồi bánh chưng, bánh tét cho có không khí. Năm nay tôi muốn gói dăm ba chiếc vừa mang biếu bạn bè vừa cho con cảm nhận chút ẩm thực truyền thống quê hương”.
Tranh thủ cho con đi chơi xuân
Ăn tết rồi, vậy chơi gì? Gia đình anh Lê Quang (Q.Bình Thạnh) sau khi bị vỡ kế hoạch về bắc vì dịch Covid-19 cũng vội nhẩm tính những món hàng cần mua sắm để chuẩn bị đón tết. Đây cũng là năm đầu tiên hai vợ chồng trẻ và 2 cậu con trai nhỏ đón tết xa ông bà nội ngoại nên khá bối rối.
Nhưng theo anh Lê Quang, vợ chồng anh sẽ tranh thủ cho 2 con đi xem đường hoa Nguyễn Huệ, ra vườn hoa Tao Đàn và nếu có thể sang cả đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng để chụp hình, vui chơi. Anh nói, nếu ăn tết ở Sài Gòn mà không đi đến những điểm đó thì sẽ “buồn lắm”.
Hai vợ chồng trẻ Mai Anh lại dự định đi thăm địa đạo Củ Chi. “Học lịch sử, nghe câu chuyện về địa đạo Củ Chi với món khoai mì nước dừa nổi tiếng lâu rồi nhưng vào đây 6 năm rồi tôi vẫn chưa biết di tích đó. Chắc chắn hai vợ chồng sẽ đi đến đó một lần cho biết. Nếu thong dong, cưỡi xe máy đi xem vùng quê loanh quanh trong khu vực”.
“Ăn tết Sài Gòn là ngoài kế hoạch, nhưng kể từ khi quyết định như vậy, cả nhà tôi đều háo hức. Bao năm “mang tiếng” ở Sài Gòn nhưng các điểm vui chơi, giải trí rất ít khi tôi có dịp tới thăm thú vì trong thâm tâm đây là nhà mình, đi lúc nào chẳng được. Hơn nữa công việc của tôi quanh năm đi khắp nơi, có dịp ở Sài Gòn nghỉ ngơi cũng thấy vui lạ”, anh N.T.Đ, Giám đốc đối ngoại Herbalife, tâm sự và hào hứng: “Năm nay sẽ làm hết những gì mà trước đây chưa làm, khám phá Sài Gòn và nghỉ ngơi thực sự”.