(PL)- Hàng chục năm qua, ông Ba Xiểm âm thầm, miệt mài đi tìm, lưu trữ thông tin của đồng đội để giúp cho thân nhân các liệt sĩ có cơ sở tìm lại mộ người thân.

Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau vẫn còn trong từng tấc đất, trong những gia đình liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Ngày ngày họ vẫn ngóng chờ tin người thân, dẫu chỉ là dòng chữ mờ nhạt theo thời gian hay địa danh liệt sĩ đang nằm. Những thông tin ít ỏi ấy với họ cũng là niềm vui vô giá.

Một trong những “người đưa tin” ấy có Đại tá Nguyễn Cao Xiểm (Ba Xiểm, 73 tuổi, cựu chiến binh Trung đoàn 24, Bộ Quốc phòng).

Hành trình thắm tình đồng đội

Nói về lý do miệt mài đi tìm, cập nhật thông tin các liệt sĩ, Đại tá Ba Xiểm nói ông nhiều lần đến thăm nhà đồng đội cũ, thấy gia đình trông ngóng, mong mỏi thông tin để tìm kiếm và đưa người thân về an táng. Từ suy nghĩ lưu trữ thông tin để cung cấp cho gia đình các liệt sĩ có cơ sở tìm mộ người thân, ông bắt đầu hành trình thu thập, lưu trữ thông tin của đồng đội cũ.

Từ khi còn công tác, Đại tá Xiểm đã bắt tay thực hiện công việc này, mãi cho đến khi nghỉ hưu ông mới có nhiều thời gian hơn để thu thập thông tin. Ông kể mỗi khi đọc báo, thấy mẩu tin nào đề cập đến phát hiện hài cốt liệt sĩ là ông cắt ra, cất cẩn thận vào bóp, có cơ hội là ông đến địa phương đó để ghi nhận.

“Lần gần đây nhất là tôi đi Tây Bắc, đoạn đường khoảng 2.000 km. Đi đến các nghĩa trang, chụp các thông tin rất cụ thể về đồng đội. Niềm vui lớn nhất là tôi tìm được các đồng đội tôi” - Đại tá Xiểm kể lại.

Sau khi đi thực tế, về đến nhà ông Ba Xiểm lại cẩn thận ghi chép, đóng thành quyển theo thứ tự đơn vị, địa phương và chữ cái theo tên. Nhìn chồng giấy tờ và các quyển sổ khổ giấy A2 được ông ghi chép cẩn thận với từng đề mục họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh, ngày hy sinh, tên tuổi thân nhân, địa chỉ… của hơn 6.000 liệt sĩ mới thấy được cái kỳ công vì đồng đội của ông Ba Xiểm.

Nhưng với người cựu binh này, công việc ông đang theo đuổi chỉ với tâm niệm: Nỗ lực hết mình để tìm đồng đội đang còn nằm lại đâu đó ở vạt đất ven đường, trong thửa ruộng nào đấy, hay trong nghĩa trang của địa phương. Để từ đó cung cấp thông tin cho người nhà và từ chỉ dấu đó, họ có thể tìm được mộ người thân đem về quê an táng.

Ông đại tá và 6.000 niềm hy vọng sum vầy - ảnh 1
Đại tá Nguyễn Cao Xiểm ghi chép cẩn thận thông tin các liệt sĩ. Ảnh: ANH HÀO

Ông đại tá và 6.000 niềm hy vọng sum vầy - ảnh 2
Đại tá Nguyễn Cao Xiểm (thứ ba từ trái qua) trong một lần đi tìm mộ đồng đội. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Ấm lòng những cuộc hội ngộ

Gần nửa thế kỷ qua, ông Ba Xiểm không nhớ đã bao nhiêu lần vỡ òa hạnh phúc vì tìm được mộ đồng đội rồi chứng kiến người thân họ đến tận nơi đưa về quê.

Như trường hợp tìm và bàn giao cho thân nhân liệt sĩ Trần Công Danh (quê quán huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) hồi năm 2018 là cả một câu chuyện ly kỳ.

 

Liệt sĩ Danh thuộc Sư đoàn 8, Quân khu 9, hy sinh ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Hòa bình, ông Ba Xiểm cùng đồng đội đến nơi này tìm ba lần nhưng không thấy mộ của liệt sĩ Danh.

Qua thời gian tìm hiểu, ông phát hiện mộ của liệt sĩ Danh được di dời về an táng tại Bạc Liêu theo chủ trương di dời về nơi kết nghĩa. Khi đến đây, mộ bia chỉ ghi đơn giản là: Trần Công Danh, F8 và không còn thông tin gì thêm. Cảm nhận đây có thể là mộ của đồng đội mình, ông lại cất công trở về Phòng chính sách (Quân khu 9) để tìm thông tin thêm.

Sau khi xác nhận đây chính xác là mộ của người cần tìm, ông thông báo cho người nhà, đồng thời thực hiện các thủ tục để gia đình bốc mộ chuyển về Bắc. Trên đường chuyển đi, khi đến TP Cần Thơ, ông Ba Xiểm còn gói gửi cho gia đình một cặp bánh pía.

“Lúc đó, tôi suy nghĩ đơn giản là đồng chí này đã nằm ở đó 36 năm rồi, mà lân cận thì có bánh pía nên gói gửi theo. Tôi nói với gia đình đây không phải là quà của ai cả, mà là tấm lòng của con, cháu, của đồng đội đã nằm ở đây khi về để bái tạ tổ tiên” - ông Ba Xiểm nhớ lại.

Tấm lòng của các cựu binh không chỉ gói gọn trong việc tìm kiếm mộ đồng đội, mà còn ấm lòng hơn khi họ lại tương trợ cho con, cháu của đồng đội mình.

Trong khoảng thời gian người thân của liệt sĩ Danh ở nhà ông Xiểm để chờ ngày đi bốc mộ, nhiều cựu chiến binh, đồng đội của ông tìm hiểu và biết những người này còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vậy là ông Xiểm bao ăn ở, đi lại, rồi những người khác biết chuyện, ai cũng ngỏ ý giúp đỡ thêm cho gia đình.

“Khi về đến quê, trong lễ truy điệu, các cháu đặt một vòng hoa trên đó có dòng chữ: Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân phường Bùi Hữu Nghĩa kính viếng. Ai cũng lấy làm lạ về vòng hoa đó nên tìm hiểu và biết mọi việc tương thân tương ái của người dân trong này. Từ những chuyện như vậy, tôi mới thấy làm những việc này không chỉ có mình mà còn có ý nghĩa vận động mọi người. Hơn nữa, nếu làm tốt thì rõ ràng là có tác dụng rất hay” - Đại tá Xiểm nói.

Những việc mà ông Ba Xiểm và đồng đội đã, đang và vẫn tiếp tục làm với nhiều người có thể đó là giản đơn nhưng ẩn sâu trong việc làm đó chính là ba chữ: Tình đồng đội!

Đại tá Nguyễn Cao Xiểm sinh năm 1947, quê quán tỉnh Thanh Hóa, hiện ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Năm 1965, đáp lại lời kêu gọi của Bác, hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ. Và thanh niên Nguyễn Cao Xiểm cũng rời quê hương, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Cả cuộc đời binh nghiệp, Đại tá Xiểm gắn liền với những trận chiến ác liệt của Trung đoàn 24 (Bộ Quốc phòng) từ Tây Nguyên đến tận Tây Nam bộ và cả chiến trường Lào, Campuchia. Sau đó ông về công tác tại Sư đoàn 8, Quân khu 9.