TTO - Dịch bệnh khiến nhiều người chọn ở lại các thành phố lớn đón Tết. Thế nhưng Tết đến, người người vẫn tất bật đến bến xe, sân bay, nhà ga… về quê đón Tết.
Các đơn vị đã chủ động lên phương án ứng phó ùn tắc giao thông, phòng chống dịch COVID-19 để đường về quê của người dân an lành, an toàn hơn.
Giải tỏa các điểm ùn tắc
Từ ngày 4 đến 6-2 (23 đến 25 tháng chạp), tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận một số nơi như: bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình)... có hàng ngàn người đổ ra các điểm nóng này đang tất bật đón xe về quê.
Theo nhận định của các đơn vị, năm nay lượng khách giảm sâu so với cùng kỳ các năm do dịch bệnh. Tuy nhiên, các đơn vị luôn căng mình siết phòng dịch, chống ùn tắc, đảm bảo đường về quê thông thoáng cho dân.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đã có phương án xử lý cụ thể từng khu vực để đề phòng tình trạng ùn tắc các tuyến đường quanh những bến xe lớn. Trong đó, bến xe Miền Đông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng khác đảm bảo trật tự giao thông trong và ngoài bến xe.
Lực lượng trong bến chủ động điều tiết xe xuất bến qua đường Đinh Bộ Lĩnh các tuyến có lộ trình chạy xe đi qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để hạn chế ùn tắc giao thông cục bộ có thể xảy ra. Đặc biệt, quy trình đảm bảo an toàn giao thông và giải quyết xe ra vào bến năm nay có nhiều thay đổi đã tạo điều kiện cho xe xuất bến nhanh chóng.
Bến xe này cũng liên tục cùng với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM và các đơn vị có liên quan rà soát, xác định thời gian, vị trí cụ thể trên đường Đặng Thùy Trâm, quận Bình Thạnh (đoạn từ nhà số 196 Đặng Thùy Trâm đến bờ sông Vàm Thuật) để bố trí làm nơi đỗ tạm thời cho xe khách chờ tài trong dịp Tết, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trong suốt những ngày cận Tết. Nhìn chung, tình hình đỗ, đậu xe tạm trên đường Đặng Thùy Trâm đã ổn định.
Lãnh đạo các bến xe Miền Đông, Miền Tây đã đề nghị các đơn vị tăng cường xử lý nạn "xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP. Bởi thời gian gần đây, nạn "xe dù, bến cóc" ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông những ngày trước và sau Tết Tân Sửu 2021, lực lượng liên ngành gồm Sở Giao thông vận tải TP, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP, công an các quận huyện, Lực lượng Thanh niên xung phong... cũng tăng cường 100% quân số túc trực 24/7 ở các điểm nóng giao thông, những điểm có nguy cơ ùn tắc. Hai giải pháp chủ đạo là tổ phản ứng nhanh liên ngành và tổ chức phân luồng từ xa.
Theo đó, các đơn vị sẽ thông qua Trung tâm điều hành giao thông đô thị TP.HCM để giám sát 24/24h tình hình giao thông tại các điểm nóng như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, ga Sài Gòn... và các tuyến đường xung quanh. Điều này giúp lực lượng chức năng phát hiện nguy cơ ùn tắc từ xa, chủ động lên phương án phân luồng.
Hướng dẫn người dân phòng dịch
Cho đến chiều 6-2, lãnh đạo các bến xe cam kết đủ xe đưa người dân về mọi nẻo đường đón Tết. Dự kiến ngày cao điểm nhất tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây là từ 27 tháng chạp đến chiều 30 Tết.
Trả lời câu hỏi "với lượng khách đông đúc như vậy, các bến sẽ thực hiện phòng chống dịch ra sao?", ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP - cho biết các bến xe lớn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định nhà nước.
Lực lượng nhân viên bến, thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân. Nhà xe, hành khách, nhân viên xe... thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp "5K" (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài ra tại các bến xe luôn trang bị nước rửa tay, nhân viên bến tuần tra, kiểm soát liên tục để nhắc nhở hành khách. Khi phát hiện dấu hiệu sốt, ho bất thường, hành khách lập tức báo cho các đơn vị biết để xử lý. Hành khách nào không thực hiện nghiêm có thể bị mời xuống xe.
Đối với chủ xe, thành viên đơn vị, lái xe kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có)... không vận chuyển người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP. Đồng thời, thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có trường hợp chở người nước ngoài nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP.
Riêng tại bến xe Miền Đông, ông Đỗ Phú Đạt - phó tổng giám đốc bến xe - cho biết hiện các tuyến xe đi về các tỉnh có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh đã ngưng chạy. Bến xe tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ người dân đổi, trả vé và hoàn tiền đầy đủ.
Mới đây, do tỉnh Gia Lai cũng xuất hiện dịch bệnh, xe khách chạy tuyến về huyện Krông Pa và thị xã Ayunpa tạm ngưng hoạt động ngay sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên.
Ông Đạt khuyến cáo khi người dân có các thắc mắc về giá vé, lộ trình xe xuất bến hoặc phát hiện sự cố trong bến liên quan dịch bệnh phải lập tức liên hệ vào các số đường dây nóng bến xe Miền Đông hiện hữu: 1900571292 và bến xe Miền Đông mới: 02835116858 để thông tin, báo cho cơ quan chức năng.
Còn nếu có thắc mắc, phản ánh tại bến xe Miền Tây người dân có thể gửi trực tiếp thông tin vào website của bến xe để được giải quyết nhanh nhất: http://bxmt.com.vn và số điện thoại đường dây nóng: (028) 38752953 - (028) 38751252.
TP.HCM tăng cường phà Ông Nguyễn Chiến Thắng - giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM - cho biết đã có phương án phục vụ hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo đó, bến phà Bình Khánh sẽ đưa 5 phà từ 100 tấn đến 200 tấn và bến phà Cát Lái đưa 7 phà từ 60 tấn đến 200 tấn vào phục vụ khách 24/24h. Hiện nay, do có dịch COVID-19 nên lượng khách đi lại không nhiều như mọi năm nhưng vào những ngày cận Tết, dự kiến các bến phà có lượng khách tăng khoảng 30-40% so với ngày thường. Trong những ngày Tết bến phà Bình Khánh dự kiến có lượng khách từ 20.000 lên 25.000 người/ngày và bến phà Cát Lái có lượng khách từ 50.000 lên 85.000 người/ngày. Để không xảy ra tình trạng ùn ứ hành khách và phương tiện ở hai bến phà trên, Xí nghiệp quản lý phà cho biết sẽ tăng thêm số lượng nhân viên bán vé lưu động từ xa, thay vì hành khách đến quầy mua vé. Bến phà cũng tăng cường lực lượng để nhắc nhở người dân, kiểm soát dịch bệnh tốt nhất. "Bến phà sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để phục vụ tốt nhất việc đưa đón hành khách qua sông an toàn, thông suốt và hiệu quả" - ông Thắng nói. N.ẨN |
Khi nào cho xe chạy vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận? Dù đã có bến phà tạm Rạch Miễu nhưng cầu Rạch Miễu vẫn tiếp tục bị kẹt xe trong mấy ngày qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG Ngày 6-2, ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, cho biết các lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã thống nhất phương án cho xe dưới 16 chỗ ngồi và xe tải dưới 2,5 tấn được chạy vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp Tết Nguyên đán 2021. "Tuy nhiên, chỉ khi nào quốc lộ 1 kẹt xe nghiêm trọng mới điều tiết xe chạy vào đường cao tốc", ông Bon nói. Theo ông Bon, việc quyết định cho xe chạy vào đường cao tốc hay không là do lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp điều tiết giao thông quyết định. Khi nào xảy ra kẹt xe nghiêm trọng trên quốc lộ 1 xe sẽ được hướng dẫn chạy vào cao tốc. Và theo ông Bon, dù mặt đường đã được thảm cấp phối đá dăm nhưng để đảm bảo an toàn nên chỉ cho xe chạy với vận tốc 40km/h và chỉ cho chạy vào ban ngày. Theo ghi nhận, hiện suốt chiều dài hơn 50km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là đường cấp phối đá dăm có chiều rộng 7m. Theo phương án phân luồng giao thông, xe từ TP.HCM đi về miền Tây, nếu có tình trạng xảy ra kẹt xe trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang thì lực lượng chức năng sẽ mở hàng rào tạm tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (điểm tiếp giáp giữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) để xe chạy vào đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Riêng tại điểm kẹt xe cầu Rạch Miễu, ngày 6-2, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bến Tre cho biết đã huy động hết 4 phà vào hoạt động để chở khách, nhằm hỗ trợ cầu Rạch Miễu. Trong số 4 phà đang hoạt động tại bến phà tạm Rạch Miễu có 2 phà hết hạn đăng kiểm nhưng qua kiểm tra vẫn còn đảm bảo an toàn kỹ thuật. |