Sáng 24/7, Đại học Văn Lang đã long trọng tổ chức chương trình “Trần Văn Khê – Tâm & Nghiệp” trong không khí trang trọng và ấm áp. Đây là chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh Cố GS.TS Trần Văn Khê – người con đất Việt đã đem âm nhạc dân tộc Việt Nam ngân vang khắp thế giới. Đại học Văn Lang cũng là đơn vị chủ trì thành lập Quỹ Trần Văn Khê nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông vào năm 2021 sắp tới.
Các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa cùng tham gia tọa đàm "Những bài học văn hóa từ GS Trần Văn Khê"
Buổi kỷ niệm là cuộc hội ngộ của những người yêu mến GS.TS Trần Văn Khê: NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Kim Tiểu Long, nhạc sĩ Huỳnh Khải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà báo Nguyễn Thế Thanh...cùng đông đảo các giảng viên, sinh viên nhà trường tham dự.
Tại buổi lễ, nhà báo Dương Trọng Dật (Viện trưởng Viện Đào tạo Nghệ thuật và Truyền thông, Giám đốc Nhà hát Truyền hình Văn Lang) xúc động bày tỏ: “GS.TS Trần Văn Khê là đại sứ âm nhạc truyền thống của Việt Nam, người góp phần nâng âm nhạc truyền thống ngang tầm với các nền âm nhạc cổ truyền của các nền văn hóa - nghệ thuật độc đáo khác trên thế giới”.
(Thứ 3 từ trái qua) NB.Dương Trọng Dật - Viện trưởng Viện Đào tạo Nghệ thuật và Truyền thông, Giám đốc Nhà hát Truyền hình Văn Lang
Xung quanh chủ đề “Những bài học văn hóa từ GS.TS Trần Văn Khê” các diễn giả đã chia sẻ những bài học giản dị nhưng sâu sắc của tâm hồn yêu âm nhạc truyền thống Trần Văn Khê. Đối với NSND Kim Cương thì đó là: “Anh Trần Văn Khê như một ngọn đèn dẫn lối cho anh em nghệ sĩ chúng tôi đi. Đối với tôi, anh là người thầy lớn không bao giờ mất trong lòng tôi. Câu nói ấn tượng nhất của anh luôn đi theo tôi suốt trong cuộc đời đó là ‘Nền văn hóa nào cũng có quê hương, mình có học được cái hay ở bên ngoài nhưng đừng quên nền văn hóa Việt Nam’. Những câu nói, những bài học, việc làm của anh Khê đối với tôi chính là kim chỉ nam dẫn dắt suốt cuộc đời làm nghệ thuật của tôi”. Đối với TS Nguyễn Nhã thì : “Những gì hay nhất của GS.TS Trần Văn Khê không chỉ ở âm nhạc mà còn ở văn hóa. Theo tôi, GS Khê là người có tâm giữ hồn dân tộc qua âm nhạc và văn hóa”. NSƯT Thành Lộc thì nhớ lại hai lần GS.TS Trần Văn Khê đến xem vở Bí mật vườn Lệ Chi do anh đạo diễn, lần nào ông cũng khóc vì xúc động. Chính những lời động viên, nhận xét cũng như cốt cách trong con người của GS.TS Trần Văn Khê khiến cho anh vô cùng nể trọng, đó chính là một nhân cách lớn mà anh luôn kính trọng và noi theo…
Tham dự chương trình còn có sự góp mặt Nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, NSƯT Kim Tử Long, NS Kim Tiểu Long cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công,… biểu diễn nhiều tiết mục đờn ca tài tử, cải lương, nhằm giới thiệu những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật dân tộc mà cả một đời GS.TS Trần Văn Khê theo đuổi. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức còn trưng bày hình ảnh, tài liệu, sách báo về GS.TS Trần Văn Khê; giới thiệu các hiện vật, lễ phục, nhạc cụ dân tộc gắn bó với GS lúc sinh thời...
Hiệu trưởng trường Đại học Văn Lang - Trần Thị Mỹ Diệu (bìa trái) tặng hoa cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu
Bên cạnh việc giúp đỡ cho sinh viên ngành nghệ thuật cũng như các tài năng gắn với nghệ thuật truyền thống như di nguyện cuối đời của Cố GS.TS Trần Văn Khê thông qua quỹ mang tên Cố GS.TS TRần Văn Khê còn xây dựng không gian văn hóa Trần Văn Khê tại trường Đại học Văn Lang – ngôi trường mang tên nước Việt thuở ban đầu được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đánh giá cao trong nỗ lực thắp lửa tiếp nối tình yêu văn hóa và âm nhạc truyền thống cho các thế hệ trẻ tương lai nối tiếp.
Nghệ sĩ Thành Lộc chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên ĐH Văn Lang
(HẠNH MY – Viện ĐT Nghệ thuật & Truyền thông – ĐH Văn Lang)