TTO - Tại cuộc họp khẩn với TP.HCM sáng 8-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết bộ rất lo lắng vì chưa xác định được điểm khởi đầu chùm lây nhiễm tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP.HCM giãn cách những nơi có dịch - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp sáng 8-2 - Ảnh: TIẾN LONG

Theo bộ trưởng, dịch đã lan ra cộng đồng thì TP.HCM phải chọn địa điểm áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì chỉ thị 15 như hiện nay. 

Những nơi nguy cơ cao, có người nhiễm thì áp dụng chỉ thị 16, như vậy chúng ta mới đi nhanh hơn dịch, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cho rằng việc áp dụng này do TP.HCM quyết, Bộ Y tế chỉ gợi ý đề xuất.

Chỉ thị 16 được Thủ tướng ban hành hôm 31-3-2020, áp dụng từ ngày 1-4 đến 15-4-2020 trên cả nước trước bối cảnh các ổ dịch liên tiếp bùng lên ở 23 tỉnh thành vào thời điểm đó, ghi nhận 137 bệnh nhân.

Nội dung chỉ thị là "giãn cách xã hội trên toàn quốc, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó". Tại TP.HCM, chỉ thị 16 kéo dài từ ngày 1-4 đến 22-4-2020.

Trước đó, trao đổi tại cuộc họp, bộ trưởng nhận định: "Có thể có trường hợp nhiễm đã khỏi hoặc sắp tới sẽ có thêm những trường hợp lây nhiễm, chứ có thể không dừng ở con số 29 như TP.HCM báo cáo" (gồm 24 ca mới và 5 ca ghi nhận những ngày qua - PV).

Theo bộ trưởng, việc giao lưu giữa nhóm công nhân bốc xếp hàng hóa (cả người nhiễm và chưa nhiễm) nằm ngoài cụm cảng, không có điểm lây nhiễm từ khu vực bốc xếp vào khu hành khách, cũng như khu vực có người phục vụ trong Cảng Hàng không.

Tuy nhiên, việc giao lưu của nhóm công nhân này với cộng đồng rất lớn. Do vậy, số ca nhiễm có thể không dừng ở con số 29 mà có thể có thêm.

"Trước nguy cơ lây nhiễm cao, TP.HCM cần có hành động, quyết liệt nhanh chóng, khẩn trương như vừa qua đã làm nhưng nâng cao, mạnh lên một bước", ông Long nói.

Ông đề nghị TP thực hiện một số việc khẩn trương, quyết liệt phòng chống dịch. Trong đó ưu tiên nhất phải xác định các trường hợp công nhân bốc xếp hàng hóa và người thân của họ là các trường hợp nguy cơ nhất, coi là những ca nghi nhiễm để có hướng xác định.

Cụ thể, không chỉ truy vết liên quan đến 29 trường hợp nhiễm mà phải truy vết tất cả công nhân làm việc với nhau. Trước mắt truy vết 60 trường hợp công nhân liên quan đến các ca nhiễm, sau đó rộng ra các công ty khác.

Mặt khác, TP phải khoanh vùng thật nhanh những địa bàn có trường hợp nhiễm, lấy mẫu triệt để và trên diện rộng tất cả trường hợp liên quan các ca bệnh và ở trong khu vực có ca bệnh.

"Việc này đòi hỏi hành động mạnh. Khi phát hiện ca nhiễm thì phong tỏa rộng, sau đó thu hẹp lại từng khu vực phong tỏa nhỏ hơn".

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị hướng dẫn TP lấy mẫu theo cụm gia đình. Thay vì lấy mẫu từng người thì lần thứ nhất sẽ lấy gộp mẫu từng hộ dân. Nếu phát hiện nghi nhiễm thì sẽ đưa cả hộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần hai.