TTO - Ngày 30 Tết, tại nơi cách ly đặc biệt dành cho những công dân Việt Nam trở về từ châu Âu ở Trường quân sự tỉnh Hậu Giang đầy ắp hương vị quê hương. Dù phải đón năm mới trong khu cách ly nhưng nơi đây hơi ấm ngày Tết vẫn đong đầy.

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 1.
Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang (trường quân sự tỉnh) là một trong những đơn vị quân đội được dành làm nơi cách ly tập trung cho công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước kể từ đầu mùa dịch 2020. Đến thời điểm này, Trường quân sự tỉnh Hậu Giang đã đón 12 đoàn đến cách ly, rất may mắn không có ca dương tính với COVID-19 - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

 

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 2.

Từ ngày 29-1, 46 công dân Việt Nam từ châu Âu về nước được đưa đến cách ly tại đây. Để phục vụ các công dân trong khu cách ly, 20 chiến sĩ, anh nuôi, bác sĩ đã được huy động tham gia làm nhiệm vụ. Dự kiến ngày mai mùng 1 Tết nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 2, các công dân sẽ được rời khu cách ly để trở về gia đình - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 3.

Theo Nghị quyết 17 của Chính phủ, các công dân trong khu cách ly được hưởng chế độ tiền ăn 160.000 đồng/người/ngày trong 5 ngày Tết. Tại Trường quân sự tỉnh Hậu Giang, ngày bình thường mỗi công dân thực hiện chế độ dinh dưỡng là 80.000 đồng/người. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 17, tiền ăn trong những ngày Tết của công dân tại nơi cách ly tập trung được nâng lên 240.000 đồng/người/ngày - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

 

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 4.

Trong ảnh là các chiến sĩ bộ đội mang cơm hộp đến đặt trước phòng các công dân trong khu cách ly. Ăn xong, toàn bộ các hộp này sẽ được chiến sĩ thu dọn và mang đi đốt ngay để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

 

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 5.

Đến giờ ăn, các công dân sẽ tự động ra khỏi phòng mang đồ ăn về phòng. Ăn xong mang hộp để ở túi rác và buộc chặt để chờ đến giờ mang đi xử lý - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 6.

Ngày 30 Tết, các chiến sĩ đã chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho công dân trong khu cách ly với: chân giò hầm đu đủ, sườn ram, thịt gà luộc, dưa hấu và cơm trắng. Suất ăn đầy đủ, đậm hương vị truyền thống khiến những người đang ở trong khu cách ly cảm thấy ấm lòng - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 7.

Công dân ăn gì chiến sĩ ăn như vậy. Trong ảnh là các chiến sĩ, bác sĩ làm nhiệm vụ tại Trường quân sự tỉnh Hậu Giang ăn bữa cơm trưa ngày 30 Tết. Chỉ khi nào các công dân an toàn, hoàn thành ngày cách ly theo quy định và được về nhà thì các chiến sĩ tại đây mới được rời khỏi khu cách ly về đơn vị - Ảnh: TẠ NGỌC BÍNH

Bữa cơm ngày 30 Tết ở nơi cách ly đặc biệt - Ảnh 8.

Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang (nơi cách ly của công dân Việt Nam từ nước ngoài về) được các chiến sĩ trang hoàng bằng những chậu cúc vàng, băngrôn để đón Tết - Ảnh: Tạ Ngọc Bính

100 ngày ở nơi cách ly đặc biệt

Người chụp và gửi những hình ảnh tại nơi cách ly đặc biệt ở Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang cho báo Tuổi Trẻ Online ngày 30 Tết không ai khác chính là thiếu tá - bác sĩ Tạ Ngọc Bính - chủ nhiệm quân y, Phòng hậu cần - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang.

Bác sĩ Tạ Ngọc Bính là một trong những bác sĩ đã vinh dự được nhận kỷ niệm chương của chương trình "Tri ân tuyến đầu chống dịch" do báo Tuổi Trẻ thực hiện năm 2020.

Suốt một năm qua, bác sĩ Tạ Ngọc Bính đã 7 lần vào khu cách ly đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi đợt cách ly trung bình từ 14-16 ngày. Như vậy bác sĩ Bính đã có ít nhất 100 ngày liên tục sống trong khu cách ly để hỗ trợ công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly.

Tại nơi cách ly, bác sĩ Bính và các đồng đội của anh chính là những người chăm lo cho người dân từ miếng ăn, giấc ngủ, khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19... Có những trường hợp công dân cách ly là học sinh, các bác sĩ như anh Bính còn phải chăm lo cả giờ giấc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân cho các em.

Ngày 30 Tết, bác sĩ Tạ Ngọc Bính cũng như hàng ngàn bác sĩ, chiến sĩ khác trên mọi miền Tổ quốc không được nghỉ ngơi mà vẫn phải căng mình làm việc ở nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Anh cho biết niềm mong mỏi lúc này là tất cả công dân mà các anh quản lý âm tính với COVID-19 để họ được về nhà sum họp với gia đình. Còn các anh, đã là người lính thì việc đứng ở nơi đầu sóng ngọn gió là nhiệm vụ thiêng liêng mà các anh đã vinh dự lựa chọn.