TTO - Có những thầy, cô giáo tình nguyện ở lại khu cách ly. Và thầy, trò cùng sáng tạo trong hoàn cảnh hiện có để đón một cái Tết đặc biệt.
Một Tết nhiều cái "không" và nhiều sự sẻ chia, ấm áp.
Tại điểm cách ly Trường tiểu học Xuân Phương, ngày 29 Tết có một số học sinh, phụ huynh và giáo viên xét nghiệm âm tính lần 3 được về ăn Tết và cách ly tại nhà.
Nhưng chỉ có 28 người, trong đó có 15 học sinh rời khu cách ly. Một số giáo viên, học sinh, trong đó có cô hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Lan đã tiếp tục tình nguyện ở lại khu cách ly.
Cô Tuyết Lan chia sẻ: "Vẫn còn những học sinh phải đón Tết xa nhà thì chúng tôi không yên tâm trở về". Cô Lan cho biết trong số những giáo viên, nhân viên phải ở lại trường cách ly, cũng có những người có thể về nhà vào ngày 29 nhưng đã quyết định ở lại.
Cô Đỗ Thị Thanh Thủy, tổ trưởng chuyên môn khối 5 Trường tiểu học Xuân Phương, là một trong số những cán bộ, giáo viên tình nguyện ngay từ đầu vào khu cách ly để giúp đỡ học sinh.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online vào chiều ngày 30 Tết, cô Thủy cho biết: "Khi trường chưa xác định F0 thì tôi và cô Tuyết Lan đã xếp đồ để chuẩn bị tinh thần đi cách ly, mặc dù chúng tôi chỉ là F2. Tôi chỉ nghĩ sự có mặt của mình là chỗ dựa tinh thần cho mọi người, nhất là ở thời điểm cận kề cái Tết".
Học sinh trong khu cách ly Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) nhận lì xì và quà Tết - Ảnh: Cô Lê Thị Tuyết Lan cung cấp
Hơn 10 cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Xuân Phương đã phải làm việc trong suốt những ngày nghỉ Tết vì phải quán xuyến việc nhắc nhở nề nếp, tổ chức hoạt động cho học sinh để "quên đi hiện thực cách ly".
Tâm sự trong chương trình "Xuân gắn kết, Tết sẻ chia" được các thầy, cô ở Trường tiểu học Xuân Phương tổ chức cho học sinh, thầy Hồ Sỹ Dũng - tổng phụ trách Đội - đã nói về nỗi niềm chung của nhiều thầy, cô: "Thật không thể tin có một ngày chúng ta không được đón Tết tại nhà, quây quần bên gia đình, không được ôm hôn những người thân yêu của chúng ta, không được nắm tay bạn bè nô đùa vui chơi. Chúng ta phải đeo khẩu trang cả ngày và hạn chế giao tiếp".
Nhưng vượt qua những ngỡ ngàng đó, những thầy, cô giáo ở nơi này đã làm những gì có thể để giúp học sinh, phụ huynh cảm nhận được sự ấm áp.
Thi vẽ tranh có trao thưởng, tham gia trò tô tượng, nhảy dân vũ, múa hát với điều kiện đảm bảo giãn cách là các hoạt động được duy trì vào ngày áp Tết.
"Giao thừa, học sinh sẽ ở tại phòng cùng các phụ huynh, giáo viên để đảm bảo giãn cách. Các phòng có ti vi cho các con xem chương trình giao thừa như ở nhà.
Trước đó, phụ huynh, giáo viên và cả một số học sinh cùng tham gia trang trí phòng để có không khí Tết, các con cũng được nhận quà, lì xì như ở nhà", cô Thủy cho biết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online qua điện thoại, một phụ huynh đang cách ly cùng con tại Trường tiểu học Xuân Phương cho biết: Trong cái không may cũng có cái hay là con học cách vượt khó, biết cảm thông, chia sẻ.
"Trước đây, do không để con phải thiếu thốn gì nên cháu không có nhiều cảm xúc khi nhận những món quà từ người khác. Nhưng Tết này thì khác, con vui hơn khi thấy bố, mẹ cắm hoa, bày bánh kẹo lên bàn để đón Tết", phụ huynh này cho biết.
Viết thư tri ân bác sĩ, thầy, cô
Ngày 30 Tết, 180 giáo viên, học sinh Trường THCS Sao Đỏ (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đang chuẩn bị thu xếp trở về nhà sau đợt cách ly thì lại có thông báo phải ở lại vì một trường hợp dương tính.
Sau phút giây mừng hụt, nhiều học sinh, phụ huynh học sinh rơi vào tâm trạng lo âu, hẫng hụt khi phút giao thừa đang đến dần.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Đình Thắng - hiệu trưởng Trường THCS Sao Đỏ - cho biết trong các ngày cách ly trước, học sinh vẫn được tập thể dục, tham gia hoạt động ngoài trời đảm bảo giãn cách. Nhưng từ chiều 30 Tết và đêm giao thừa, học sinh chỉ ở tại phòng cùng giáo viên, phụ huynh.
Phụ huynh Trường tiểu học Văn Đức (TP Chí Linh) sửa soạn đón năm mới cùng các con tại khu cách ly - Ảnh: TR. PHƯỢNG
Tại các phòng học được bố trí làm nơi ở, nhiều học sinh chủ động trang trí bằng cách vẽ bằng phấn lên bảng đen hình hoa đào, hình những con vật vui nhộn và lời chúc Tết.
Theo ông Bùi Đình Thắng, trường có tổ chức cho học sinh viết thư nhân dịp đầu năm mới, gửi cho người các em biết ơn. Nhiều bức thư được viết gửi cho y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch cảm động.
"Trong những ngày cách ly tại trường, đầu tiên em và các bạn rất nhớ nhà, nhớ ông bà, cha mẹ và người thân. Nhưng chúng em luôn nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt của các thầy, cô giáo", học sinh Nguyễn Thủy Tiên viết trong lá thư tri ân.
Lá thư của học sinh tại khu cách ly Trường THCS Sao Đỏ (TP Chí Linh) gửi cho cô giáo đang bị nhiễm COVID-19 - Ảnh: Thầy Bùi Đình Thắng cung cấp
Hương Giang, học sinh diện F1, viết thư gửi cô giáo của mình đang bị nhiễm COVID-19: "Chúng con đang cách ly ở Trường THCS Sao Đỏ cô ạ. Đã 10 ngày trôi qua, chúng con sẽ ăn Tết tại trường. Đây cũng là dịp trải nghiệm và trưởng thành hơn.
Cô đừng lo cho chúng con cô nhé. Con vẫn mong rằng dịch COVID sẽ được đẩy lùi. Cô trò chúng ta sẽ nhanh chóng trở về nhà. Hãy lạc quan cô nhé!".
Những tấm bảng đen trong khu cách ly được cô, trò trưng dụng để trang trí đón Tết. Ảnh chụp tại khu cách ly Trường THCS Sao Đỏ (TP Chí Linh) - Ảnh: BÙI NGỌC BÍCH
Ở một khu cách ly khác do Trung đoàn 125 phụ trách tại TP Chí Linh, cô giáo Trần Thị Thúy Phượng cho biết đây là khu cách ly của người dân, nên chỉ có 5 học sinh, 3 giáo viên và một số phụ huynh. Nhưng 5 học sinh đều rất nhỏ, đang học lớp 1, 2, 3 nên gặp nhiều bỡ ngỡ.
"Chúng tôi cũng tổ chức bữa cơm tất niên cho học sinh. Mỗi người có một suất ăn và đồ uống, nhưng ngồi cách xa nhau đúng quy định giãn cách. Dù vậy thì vẫn vui, phần nào vơi cảm giác nhớ nhà", cô Phượng cho biết.
Thành phố Chí Linh là tâm dịch với hơn 30 điểm cách ly tập trung và khoảng 6.000 người phải cách ly, trong số đó có nhiều giáo viên, học sinh. Một số hiệu trưởng các trường phổ thông dù không phải diện cách ly cũng phải ở lại trường làm nhiệm vụ.
Họ không trở về nhà trong đêm giao thừa hôm nay và theo những cách khác nhau, những cán bộ, giáo viên, học sinh ở khu cách ly đang trao cho nhau sự ấm áp, để vượt lên tình cảnh đặc biệt này.