LDO - Nhiều địa phương đã công bố và lên phương án cho học sinh nghỉ ở nhà để học online. Đây là phương án bắt buộc để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo vẫn còn lo lắng về chất lượng học online, khả năng quản lý con cái, đặc biệt là lứa tuổi cấp 1.
“Trong dịp Tết, trẻ con đang trong giai đoạn nghỉ ngơi, trường con tôi không giao bài tập về nhà dịp Tết bây giờ cho cháu học online thì không biết làm thế nào cho nó vào nhịp học được”- chị Hoàng Hoa ở quận Cầu Giấy có con trai đang học lớp 3 chia sẻ.
Theo chị, việc học online là điều bắt buộc nhưng tính hiệu quả cần phải tính lại, đặc biệt cần xem xét học sinh cấp 1 có phải học online không: “Đây là lứa tuổi chưa tự giác, con học thì bố mẹ phải ngồi kèm, chỉ bảo nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng kè kè bên con được, phải đi làm, đi kiếm sống. Thật sự chúng tôi rất lo”.
Đồng tình với ý kiến trên, anh Phạm Minh Tường ở quận Hà Đông cho rằng: “Đành rằng học online là điều kiện bắt buộc nhưng cần phải tính toán thời gian cho hợp lý. Ban ngày bố mẹ đi làm, các con không thể tự giác học được, nếu có cho máy tính thì chơi, xem YouTube là chủ yếu, rất khó kiểm soát. Nên chăng cho các con học trực tuyến vào buổi tối, như thế bố mẹ có thời gian kiểm soát con”.
Trong khi đó, anh Mạnh Quân- công nhân ở một khu chế xuất phía Nam nêu một thực tế khác: “Hiện tôi và gia đình đang về quê ăn Tết, chúng tôi đang chuẩn bị trở lại TPHCM để tiếp tục làm việc và cho con cái học hành. Thế nhưng UBND TPHCM đã có văn bản cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục dừng đến trường, ở nhà học online đến hết ngày 28.2. Chúng tôi chưa biết tính sao, để con ở quê thì không có người kèm, điều kiện vật chất, Internet không có nhưng trở lại TPHCM thì ai trông con? Mà cũng chẳng dám chắc sau 28.2 lại đi học bình thường. Thật tình tôi rất rối”.
Trao đổi với Lao Động, nhiều ý kiến còn nêu ra khó khăn khác đó là về phương tiện học online. “Nhà tôi có hai cháu, nhưng chỉ có một máy tính. Vậy ai học ai không? Mà dùng điện thoại thì chắc chắn không thể tập trung, hơn nữa vợ chồng tôi kinh doanh online, đơn hàng chốt qua điện thoại nhiều chẳng nhẽ con đang học thì giằng lấy điện thoại để chốt đơn cho khách?” Chị Khánh Linh ở Cầu Giấy nêu vấn đề.
Trong khi đó, bản thân các thầy cô cũng không khỏi lo lắng. Cô gái M.H đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 3 ở một trường có tiếng tại khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) cho rằng: “Thực tế thì giáo trình dạy online vẫn còn thiếu, chúng tôi dạy kiểu chữa cháy là chính. Các con trên lớp còn phải khản tiếng hò hét thì học online là cả một vấn đề rất nan giải. Nó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.
Hiện, cả 63 tỉnh thành đã công bố lịch học online, dù là chủ trương bắt buộc nhưng việc này chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn trong mỗi gia đình.