PNO - Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vắc-xin COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca về Việt Nam |
Thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), vừa ký văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca, với 204.000 liều. Đây sẽ là lô vắc xin COVID-19 đầu tiên trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua.
Trước đó, ngày 1/2/2021, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép cho vắc xin COVID-19 AstraZeneca của Anh là vắc xin đầu tiên được phép lưu hành tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
AstraZeneca là vắc xin ngừa COVID-19 do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Vắc xin sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Vắc xin AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độ C) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.
Đây sẽ là lô vắc xin COVID-19 AstraZeneca đầu tiên được nhập khẩu, nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua. Ngoài ra, Liên minh vắc xin toàn cầu Covax sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều AstraZeneca.
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tên là ChAdOx, do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, phát triển. Vắc xin được điều chế dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh. Hiệu quả bảo vệ của nó dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.
An Bình