Nỗi khát khao được đi bộ thể dục hằng ngày ở hai bên bờ các con kênh của người dân đang dần thành hiện thực khi TP HCM lên kế hoạch cải tạo, nạo vét hàng loạt kênh, rạch

"Gần 3 thập kỷ trước, chẳng ai dám tới khu Lò Gốm (quận 6, TP HCM) để mua nhà. Khi đó, nơi đây muỗi nhiều vô kể, rồi mùi hôi thối xộc vào mũi từ sáng đến tối. Dưới kênh không cây, con gì sống được. Vậy mà giờ đây, người người đổ về tìm nhà để mua" - KTS Trần Vĩnh Nam mô tả về sự đổi thay của khu dân cư dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

"Nằm mơ cũng không dám nghĩ"

KTS Trần Vĩnh Nam cho biết đã không khỏi bất ngờ khi đọc báo cáo khảo sát giá thị trường bất động sản do Tập đoàn KDRA và GachVang nghiên cứu. Theo báo cáo, một căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 50 m2 ở khu Lò Gốm hiện nay có giá trên 6 tỉ đồng. "Khu Lò Gốm lên đời cũng đúng bởi khi con kênh được cải tạo, mảng xanh hình thành thì chất lượng sống nâng lên một cách vượt trội" - KTS Trần Vĩnh Nam nói.

Hồi sinh hàng loạt kênh, rạch - Ảnh 1.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã hồi sinh ngoạn mục .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cứ nhắc đến sự hồi sinh của kênh Tân Hóa - Lò Gốm là bà Nguyễn Thị Bảy, nhà nằm bên con rạch Xuyên Tâm (đoạn chảy qua quận Bình Thạnh), lại lấy câu chuyện may mắn của người em trai ra kể. Em trai bà tên Nguyễn Văn Tam, ngụ đường Lò Gốm, phường 7, quận 6. Theo bà Bảy, năm 1991, rời quê hương miền Trung, 2 chị em mỗi người cầm 1 lượng vàng dắt díu gia đình vào TP HCM. Trong đó, gia đình bà buộc phải chọn khu vực rạch Xuyên Tâm để mua nhà, còn người em lại chọn mua căn nhà bên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm để có nơi tá túc cũng như thuận tiện công việc của từng người. Cũng giống như hàng ngàn căn nhà lụp xụp bên bờ kênh, căn nhà của bà Bảy và em trai dựng bằng lá dừa và tôn cũ, điện phải câu nhờ, nước thì nửa đêm phải xếp hàng hứng từng can, không có cống thoát. "Vậy mà giờ đây, nhà em trai tôi điện nước "phà phà", gió lùa mát rượi. Riêng căn nhà giá đã lên đến hơn 100 lượng vàng. Nói thiệt, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến ngày gia đình em mình được như hôm nay" - bà Bảy chia sẻ. Bước qua tuổi 75, giờ ước mong lớn nhất của bà Bảy là con rạch Xuyên Tâm chảy qua nhà sớm được cải tạo để cuộc sống "dễ thở" hơn.

Tương tự, cứ mỗi lần đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tàu Hủ - Bến Nghé với đôi bờ là hàng cây rợp bóng, trang bị đầy đủ các dụng cụ và máy tập thể dục phục vụ người dân rèn luyện sức khỏe hằng ngày là ông Trịnh Thanh Hùng, ngụ khu vực Cầu Sơn (quận Bình Thạnh), lại phát… thèm! Chỉ tay xuống dòng nước xanh của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn chảy qua địa bàn quận 3), ông Hùng khao khát đến một ngày sẽ tự hào nói với mọi người nhà ông ở bên rạch Văn Thánh như những gì cư dân dọc kênh Nhiệu Lộc - Thị Nghè hào hứng khi nhắc đến nơi ở của mình.

Còn bà Năm Hải, nhà ven kênh Tẻ (bờ quận 4), cứ hễ ai hỏi thì đều dí dỏm nói mình đang ở giáp khu nhà giàu - đường Bến Vân Đồn. "Cùng sống ven kênh và chỉ khác nhau hơn 1 cây số nhưng nơi mới nhắc đến người ta đã sợ, còn nơi ai cũng ao ước được sở hữu" - bà Năm Hải so sánh. "View kênh đang là lợi thế lớn nên việc nhiều người mong ngóng các con kênh, rạch bên nhà sớm được cải tạo luôn là vấn đề thời sự nóng hổi" - KTS Trần Vĩnh Nam nhấn mạnh.

Khởi công hàng loạt dự án

Nắm bắt nguyện vọng của người dân cũng như quyết tâm làm đẹp bộ mặt đô thị kết hợp chống ngập, UBND TP HCM vừa lập hàng loạt kế hoạch lớn để hồi sinh kênh, rạch trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.

Bình luận về những kế hoạch trên của TP, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cũng như bất động sản cho rằng đây là hướng đi đúng. "Nạo vét, cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch bị bồi lắng, ô nhiễm là giải pháp căn cơ, bền vững để cải tạo bộ mặt đô thị, xử lý dứt điểm tình trạng ngập, ô nhiễm trên địa bàn TP" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), nhận định. Theo ông Châu, hiện TP có ít nhất 3 dòng kênh được cải tạo và mang lại giá trị rất lớn cho cộng đồng. Ðiển hình, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã giải quyết vấn đề kẹt xe, ô nhiễm và mang lại lợi ích rất lớn cho hơn 2 triệu dân. Nói vậy để thấy cải tạo, nạo vét để các con kênh, rạch hồi sinh là việc làm vô cùng cấp bách. Để có nhiều hơn kênh, rạch sớm được hồi sinh, TP cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách.

"Khi tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch, cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án. Ðồng thời, có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng" - ông Lê Hoàng Châu đề nghị.

TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, nhấn mạnh trước đây, TP là một đô thị mang dấu ấn sông nước với cảnh "trên bến, dưới thuyền". Do đó, việc tính toán khơi thông, cải tạo, nạo vét lại hàng loạt kênh, rạch sẽ giúp tạo bản sắc đô thị riêng biệt cho TP. Qua đó, ngoài việc không gian sống được bảo đảm, còn giúp ngăn chặn tình trạng ngập nước và sụp lún nền đất. 

"Tính đến hết năm 2020, TP HCM đã nạo vét hơn 81 km sông, kênh, rạch với tổng số 229 tuyến; khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài gần 60 km.
 

Gấp rút khai thác lợi thế từ sông Sài Gòn

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, đơn vị này đang hoàn thiện Ðề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045.

Đề án xác định TP sẽ quy hoạch, đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng gắn với mô hình phát triển các trung tâm phụ đô thị có những chức năng hỗn hợp như văn hóa - giải trí, hoạt động cộng đồng, thương mại - dịch vụ, cư trú, du lịch, tiêu thoát nước và cải thiện môi trường.

 

Dân đồng lòng, chung sức

Trong lúc chờ giai đoạn 2 của dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên khởi động, người dân dọc hai bên bờ kênh này đã đồng lòng và chung sức cùng chính quyền "xanh hóa" đường ven kênh.

8-legbo-1

Đoạn đường dọc kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đi qua phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM được người dân đồng lòng và chung sức “xanh hóa”

Mùng 6 Tết Tân Sửu 2021, đứng trên cầu Chợ Cầu nhìn xuống bờ kênh Tham Lương (đoạn thuộc phường 14, quận Gò Vấp), thật khó nhận ra con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, nhếch nhác ngày nào nay được thay áo mới bằng đường nhựa thẳng tắp, tinh tươm. Là một trong những người xung phong kêu gọi bà con chung tay đóng góp để làm mới tuyến đường dọc kênh thuộc khu phố 7, phường 14, bà Nguyễn Thị Mơ (Tổ trưởng tổ 55, khu phố 7) kể nhiều năm qua, chờ mãi chưa thấy dòng kênh được đóng kè, chỉnh trang như kế hoạch nên ban điều hành khu phố xin ý kiến địa phương được kêu gọi bà con đóng góp làm con đường, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Giữa năm 2019, con đường nhựa thẳng băng dài gần 500 m, trị giá hơn 1 tỉ đồng đưa vào sử dụng, có cây xanh, kè sắt, công viên dọc bờ kênh, địa phương hỗ trợ lắp thêm đèn chiếu sáng. "Thấy con đường đẹp, người dân bên khu phố 8 cũng kêu gọi chung tay làm đường, rồi đến khu phố 6 cũng chung tay thực hiện tráng nhựa tạo nên đoạn đường liền lạc, đẹp mắt" - bà Mơ khoe.

Theo ông Ðỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, ngoài hơn 2 km đường dọc kênh đi qua phường 13 và 14 được người dân lu lèn, thảm nhựa tạm, trồng cây ven kênh thì các phường khác như 15, 17, 5, 6 tuy không được trải nhựa nhưng bà con dọn sạch rác, xà bần, rải đá giúp việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn.

Tin-ảnh: T.Hồng