TTO - "Thật ra vợ chồng tui cũng chưa mở chiếc túi để xem có gì bên trong, chỉ đoán chừng có nhiều vòng vàng. Cần gì phải mở ra khi mình chẳng có ý định chiếm làm của. Nhà có nghèo cũng không tham của rơi". Ông Long nói gọn lỏn...

Vợ chồng ve chai trả lại bạc tỉ cho người đánh rơi, chuyện như cổ tích - Ảnh 1.

"Bản thân tui đánh rơi 50.000 đồng đã thất thần, buồn thiu, nói chi người ta đánh mất bạc tỉ. Có người hỏi tui lượm được nhiều tiền vậy có mừng không, tui nói tiền có phải của mình đâu mà mừng. Lấy làm chi, tội nghiệp người ta" - Bà Tám Em đồng tình

Câu chuyện đẹp như cổ tích giữa đời thường về vợ chồng ông Nguyễn Văn Long (ở phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) như một ngọn gió mát giữa đời trong những ngày đầu năm mới.

Dù nghèo cũng không tham

Căn nhà tôn cũ kỹ của ông Long lọt thỏm giữa trung tâm TP Cao Lãnh nhộn nhịp. Dù là cư dân thị thành ngót nghét 30 năm, ông Long vẫn giữ thói quen chài cá ven sông để kiếm dăm con cá về kho lạt ăn với mớ rau trồng trong thùng xốp trước nhà.

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm ông đi rải mồi cá ven sông Đình Trung. Cuối tháng 1 vừa qua, đi rải mồi về, ông Long cầm trên tay chiếc túi xách rồi treo trước cửa nhà. "Tui hỏi túi của ai, ổng nói lượm được, lát nữa không có ai lại nhận sẽ mang lên phường. Rồi ổng đứng ngoài đường chờ có ai đi tìm của rơi không. Chừng một tiếng thì có người lại nhận" - bà Đoàn Thị Tám Em, vợ ông Long, nhớ lại.

Tiếp lời, ông Long kể cái túi đó màu nâu nhạt, do một phụ nữ chạy xe máy làm rơi. "Tui nghe rớt cái bịch, tui nhặt rồi chạy theo gọi với nhưng cô này chạy nhanh quá, không hay biết gì. Lát sau em trai của cổ lại nhận, tui kêu phải đúng người đánh rơi và nói đúng đặc điểm cái túi, số tài sản bên trong tui mới cho nhận".

Đến hôm UBND phường 1 mời lên tặng giấy khen, được hỏi về việc nghĩa đã làm, hai người cũng cười cười nói đâu có việc gì to tát. Rồi ngày ngày họ vẫn lặng lẽ mưu sinh bằng nghề nhặt rác. Chiếc túi bóng màu đen to ngày hai bận ông bà vẫn đi về mang theo đầy ắp ly nhựa, bọc nilông, giấy vụn. 

Họ cùng nhau phân loại, rửa sạch rồi trữ trên căn gác lửng. 2-3 tháng sẽ bán một lần kiếm chừng 1-1,5 triệu đồng, thêm tiền lương 2 triệu đồng/tháng cho công việc ngủ giữ quán cà phê cạnh bên, ông bà cũng đắp đổi cuộc sống. Không dư dả gì nhưng vui vẻ, đầm ấm.

Kể chuyện đời mình rồi ông gói gọn trong mấy chữ "chẳng ngày thảnh thơi" nhưng bù lại các con chăm ngoan và hiếu thảo. Bà Tám Em chỉ vào cái tivi màn hình phẳng khoe do đứa con gái lớn mua cho cha mẹ xem tin tức, giải trí. 

Chỉ qua cái tủ lạnh, đó cũng là món đồ do các con cùng mua cho cha mẹ. Căn nhà hiện tại cũng do các con ky cóp lương công nhân và vay thêm để cất. "Tui thấy vậy là mãn nguyện lắm rồi", bà Tám Em chia sẻ.

Vợ chồng ve chai trả lại bạc tỉ cho người đánh rơi, chuyện như cổ tích - Ảnh 3.

Nhận bằng khen và thư khen của tỉnh, vợ chồng ông Long chỉ cười cười rồi nói việc mình làm chẳng có gì to tát cả - Ảnh: N.TÀI

Cuộc đời chân chất, sống vì cộng đồng

Mùng 5 tết, ông Long loay hoay với cây tắc kiểng trưng tết. Ông cười tươi: "Tui trồng không chỉ cho nhà ăn mà chòm xóm, người đi đường cần thì cứ hái. Một hai trái tắc, dăm ba trái ớt khi cần khỏi chạy ra chợ mua. Cũng có ít cây rau có vị thuốc, ai xin tui cũng chiết để tặng".

Vách nhà ông treo kín những tấm giấy khen, thành tích sau 15 năm ông làm dân quân tự vệ. Năm 2011, ông được kêu gọi giúp người dân đầu nguồn. "Tui đang ở nhà thì bên phường ghé ngang kêu đi chống lũ, tui gom đồ đi liền không kịp báo cho vợ biết. Tới nơi mới mượn điện thoại gọi về nói với bả một tiếng. Chuyến đó đi cả tháng. Ngày đốn cây, hì hục gia cố đê. Tối đi tuần tra, đi đến đâu được dân đãi cơm đến đó". 

Hỏi lương bổng những ngày ấy, ông Long nói ngay: "Lương bổng gì. Cứ giúp đỡ được xóm làng yên ổn là mình vui rồi". Ông còn động viên đứa con trai duy nhất cùng tham gia dân quân tự vệ của phường. Cha con ông Long chưa một lần bỏ trực.

Ông Long - bà Em đều đã ở tuổi ngũ tuần. Chuyện xưa, ông gặp rồi cưới bà Tám Em khi bà đi cắt lúa thuê gần nhà. Ông mồ côi cha mẹ từ tấm bé, sống trong sự chở che của người chú ruột. Ông nghỉ học sớm đi chăn trâu, chăn vịt, đỡ đần cho chú thím. Cảnh nghèo thương nhau, nên duyên rồi cùng về quê ngoại, đủ nghề làm thuê làm mướn. 

"Hồi trẻ tui đi vác lúa, thợ hồ, ai thuê mướn gì cũng không nệ công. Bả thì đi nhổ cỏ, cắt lúa. Cũng phước phần ít bệnh đau nên mới nuôi các con khôn lớn tới bây giờ", ông nói.

Trên vách nhà ông Long có hàng chữ "Mừng lễ tân hôn ngày 30-3-2020". Nhưng hôm ấy là ngày đám cưới hụt của con trai ông. Tới nay, ông vẫn chưa thể cưới vợ cho con vì... COVID-19. Cả nhà ông đã thu xếp đám cưới xong xuôi nhưng khi nghe tin giãn cách xã hội, cấm tụ tập, chẳng cần ai động viên ông liền đình đám cưới. 

"Tui đặt 15 bàn, thiệp cũng đã gửi phải đi hồi, nhà hàng muốn bắt đền. Tui về in ra cái chủ trương giãn cách xã hội cho chủ nhà hàng coi, họ mới chịu. Tui mang số rau củ bên đó đã đặt mua về tặng cho chòm xóm sẵn báo tin đình ngày tổ chức cưới luôn", ông Long hóm hỉnh.

Con của ông hiện đang làm công nhân ở TP.HCM, dự định tổ chức cưới vào dịp nghỉ tết. Lại in thiệp. Nhưng khi hay tin tức TP Cao Lãnh vận động người dân hạn chế tập trung đông người, một lần nữa ông gác lại tiệc vui.

Việc làm tử tế này là lẽ đương nhiên

Tìm lại được chiếc túi mà mình đánh rơi, bà Bùi Ngọc Nhung như không tin vào mắt mình. Theo bà, bên trong túi là 560 triệu đồng và số nữ trang trị giá hơn 1 tỉ đồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã gửi thư khen ông Nguyễn Văn Long vì nghĩa cử đẹp. "Thật trân quý biết bao tấm lòng của gia đình ông. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải vất vả mưu sinh nhưng khi nhặt được số tài sản có giá trị gần 1 tỉ đồng ông vẫn tìm mọi cách để trả lại cho người đánh rơi.

Càng trân trọng hơn khi ông cho rằng việc làm tử tế này là lẽ đương nhiên, khi trả lại ông cảm thấy vui trong lòng và sau này cũng sẽ dạy con cháu như vậy", ông Nghĩa viết trong thư.