Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/2:
Từ 10/2 đến 10/3, Sở Y tế TP phát động toàn hệ thống y tế TP triển khai các hoạt động của “Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch Covid-19”, hoạt động thiết thực chào mừng Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2. Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.
Trong thời gian cao điểm này, Sở Y tế yêu cầu toàn ngành y tế từ hệ dự phòng, y tế cơ sở cho đến hệ khám, chữa bệnh công lập và tư nhân tập trung triển khai kế hoạch chiến dịch trên để chủ động kiểm soát nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, ngành y tế TP tiếp tục kiểm soát chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát và giám sát đối với người đến từ các vùng dịch trong nước, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc.
Ngoài ra sẽ tiếp tục giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 đánh giá các chuyên gia nhập cảnh vào TPHCM đang làm việc từ ngày 1/1 đến nay, ưu tiên nhóm chuyên gia Nhật Bản.
Cũng trong dịp cao điểm này, TP tiếp tục giám sát tầm soát SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế và các trường hợp bệnh nhân có triệu chứng hô hấp (hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi cấp nặng) đến khám tại các bệnh viện hoặc các chùm ca bệnh hô hấp được phát hiện tại cộng đồng.
Đồng thời tăng cường vai trò của “Tổ COVID cộng đồng” trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện các quy định về cách ly, giám sát y tế tại địa phương. Đặc biệt, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp trốn khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực, nhất là những người về từ vùng dịch thuộc nhóm cần phải giám sát y tế.
Tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”
Báo SGGP cho hay, dự kiến ngày 5/3, UBND TP phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”.
Đây là lần thứ 4, TPHCM tổ chức lễ tuyên dương những điển hình nhân ái, thầm lặng góp sức cho đời. Hoạt động này nhằm tiếp tục giới thiệu, nhân rộng, tuyên dương những điển hình sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội cũng như tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước.
Theo Ban tổ chức, qua phát hiện, giới thiệu của các đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan báo đài và địa phương, có 78 tập thể và 185 cá nhân được giới thiệu trong lần tuyên dương này.
Đó là những tấm gương “Người tốt, việc tốt”, “Thầm lặng mà cao cả”. Những đóng góp của họ đã mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, có sức thuyết phục, có tác dụng nêu gương, nhân rộng để mọi người học tập và làm theo.
Chỉ số UV ở mức gây hại rất cao
Zingnews đưa tin, ngày 22/2, TP.HCM tiếp tục duy trì hình thái thời tiết se lạnh vào sáng sớm. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, các tỉnh, thành Nam Bộ đang có diễn biến thời tiết đặc trưng của mùa khô là ngày nắng, không mưa. Cường độ nắng trong ngày ở mức ổn định, nhiệt độ cao nhất miền Đông Nam Bộ ở mức 31-33 độ C, có nơi trên 33 độ C, còn miền Tây Nam Bộ là 30-32 độ C.
"Nắng trải đều và không có mưa nên tiết trời khá khô nóng, nhất là vào buổi trưa; vì vậy, người dân cần chú ý bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể để bảo vệ sức khỏe", Đài Khí tượng Thủy văn đưa ra lời khuyên và cho biết vào giờ tan tầm, nhiệt độ sẽ giảm bớt, tiết trời dễ chịu hơn.
Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định chỉ số UV (tia cực tím) tại TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ hôm nay ở ngưỡng gây hại rất cao, trên 8 đơn vị.
Cụ thể, tại TPHCM, chỉ số UV cực đại ngày 22/2 là 9 đơn vị và ngày 23-24/2 là 10 đơn vị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số UV cao nhất là 11+ với thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Đặc biệt, nắng mạnh và có hại nhất lúc 10-15 giờ. Do đó, người dân không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời thời gian này. Đây là thời điểm nắng chứa rất nhiều tia cực tím (UV), đặc biệt là tia UVA và UVB.
Quán ăn không chấp hành phòng, chống dịch bị xử phạt 25 triệu đồng
Ngày 21/2, Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra và nhắc nhở các nhà hàng, quán ăn và khu vực tập trung đông người bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tính từ mùng 6 Tết (Tức 17/2) bắt đầu xử phạt, một số nơi không chấp hành nhiều lần đã nâng mức phạt lên đến 25 triệu đồng.
"Hiện tại, cho phép các quán hoạt động nhưng không quá 30 người. Nếu vượt quá số lượng này sẽ xử phạt mức cao nhất để đảm bảo an toàn", đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho hay.
Theo ghi nhận của PV báo Người Lao Động, những ngày qua các nhà hàng, quán ăn tại TP Thủ Đức và các quận 1, Bình Thạnh, nhìn chung đều đóng cửa.
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) bình thường rất nhộn nhịp nhưng nay quán xá đóng cửa nên vắng lặng khác thường.
Các nhà hàng, quán ăn quy mô trên đường Phạm Văn Đồng, đường 23 thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cũng tuân thủ phòng, chống dịch theo quy định của địa phương. Một số nhà hàng còn treo bảng hiệu "quán chỉ bán mang về" và thông báo "quán tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP và mở cửa khi có thông báo mới"...
Tái định cư tại chỗ cho những người bị thu hồi đất
Thông tin khác trên báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM".
Theo đó, TPHCM sẽ thành lập một đoàn liên ngành do một lãnh đạo TP đứng đầu, một lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường làm Thường trực để thực hiện tổng rà soát việc sử dụng tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý theo định kỳ 5 năm trên phạm vi TP. Từ đó đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp trái pháp luật, không hợp lý (bao gồm cả đất quốc phòng, an ninh sử dụng trái pháp luật) và đề xuất phương án sắp xếp lại.
Sau đó, UBND TP xem xét để trình ra HĐND TP thông qua rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm căn cứ để giải quyết đối với các công sản do các tổ chức của TP và Trung ương nắm giữ.
TPHCM cũng đưa ra giải pháp để gỡ vướng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện đang gặp khó khăn. Hiện này thời gian thực hiện kéo dài do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường. Trong khi đó, TP không thể áp dụng giải pháp thuế để phân bổ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại.
Phương án này cần được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng những người bị thu hồi đất; khi đạt được đa số ý kiến của cộng đồng đồng thuận (đa số thường được lấy là 2/3) thì phương án được phê duyệt. Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.
Đây là cơ chế mang tên "đồng thuận cộng đồng theo đa số", bảo đảm công bằng cao nhất và tiết kiệm chi phí đầu tư phát triển.
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đào tạo Thạc sĩ Báo chí
Trước nhu cầu của xã hội, của các cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông về nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho tình hình mới, nhất là trong bối cảnh thời đại chuyển đổi số, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Đại học Quốc gia TPHCM quyết định mở đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Báo chí học cho năm 2021.
Trao đổi với báo SGGP Online, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường KHXH&NV – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, Đề án mở ngành mới đối với trình độ Thạc sĩ Báo chí học của trường là cả một quá trình chuẩn bị rất kỹ càng, lâu dài, phải chứng minh được năng lực đào tạo qua nhiều vòng thẩm định, phản biện. Đến thời điểm này, chúng tôi cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện chín muồi, quyết định mở đào tạo cho trình độ Thạc sĩ Báo chí.
Các thí sinh dự thi phải trải qua hình thức thi tuyển với các môn cơ bản (Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông), môn cơ sở (Tác phẩm và thể loại báo chí) và môn Ngoại ngữ (theo quy định chung).
Trường Đại học KHXH&NV TPHCM sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của các thí sinh trực tiếp tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM (số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) bắt đầu từ tháng 3/2021 để đến tháng 5/2021 thì tổ chức thi.
Còn số lượng học viên đủ điều kiện để tham gia khóa học sau khi vượt qua kỳ thi là 25. Mức học phí được công bố là 23 triệu đồng/năm (toàn khóa 46 triệu đồng), với thời gian đào tạo chính thức 2 năm. Khoa Báo chí và Truyền thông của trường được giao nhiệm vụ đào tạo.
Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành của trường Đại học KHXH&NV TPHCM.
Thông tin về 8 dự án vay ODA và vốn ưu đãi
Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa có báo cáo về tình hình chuẩn bị, thực hiện 8 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Trong đó có 6 dự án nhóm A (bốn dự án có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỉ đồng và hai dự án nhóm B). Tổng vốn đầu tư của tám dự án là 121.213 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA 101.504 tỉ đồng, vốn đối ứng 19.709 tỉ đồng. Kế hoạch vốn đã giao năm 2021, vốn ODA hơn 12.550 tỉ đồng.
Nhiều dự án trọng điểm như: Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2), metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2…
Qua tổng hợp tình hình thực hiện của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, TP kiến nghị Bộ Tài chính sớm xúc tiến các thủ tục về thỏa thuận vay vốn cho metro số 1; sớm thẩm định cho vay lại đối với dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực các kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2 (khoản vay lần 4) theo phương án vay lại nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ.
Tiếp theo, TP kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm xem xét về kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư (điều chỉnh thời gian thực hiện) các dự án: Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2; dự án giảm thất thoát nước tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn 2010-2015.