(PLO)- Người dân mong sớm được thông qua để được khôi phục quyền lợi hợp pháp về nhà, đất. 
 
Việc Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM cho phép người dân được xây dựng nhà ở riêng lẻ đến sáu tầng trong quy hoạch đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (ĐDCXDM) thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân và các quận, huyện. Cả chính quyền địa phương cũng như người dân đều mong muốn TP sớm chấp thuận để đề xuất này sớm được triển khai, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân trong quy hoạch.
 
Dân phấn khởi nhưng vẫn… hồi hộp
 
Năm 2018, ông Phạm Tuấn Nghĩa có mua hơn 5.800 m2 đất nông nghiệp tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Khu đất của ông Nghĩa nằm trong quy hoạch ĐDCXDM. Tưởng mua xong sẽ được chuyển mục đích sang đất ở, suốt hai năm đi làm thủ tục nhưng không được huyện Bình Chánh giải quyết. Lý do là đối với đất quy hoạch ĐDCXDM, huyện chỉ giải quyết cấp phép xây dựng (CPXD) tạm đối với đất đã được công nhận là đất ở. 
 
Trong văn bản trả lời ông Nghĩa, huyện Bình Chánh cho biết “đang chờ hướng dẫn của sở, ngành TP liên quan đến khái niệm “ĐHH” và “ĐDCXDM” để làm cơ sở giải quyết. 
Với đề xuất được CPXD chính thức đến sáu tầng trong quy hoạch ĐDCXDM, ông Nghĩa tỏ ra vui mừng nhưng cũng chưa hết lo ngại. “Đất của tôi hiện nay vẫn chưa được chuyển sang đất ở, dù rõ ràng là nằm trong đất ĐDCXDM chứ không nằm trong quy hoạch gì khác đất ở (như đất công viên, giao thông, công trình công cộng…). Nằm trong đất ở mà không được chuyển sang đất ở, trong khi đất đai bỏ hoang, làm nông nghiệp không được, chuyển sang xây dựng cũng không xong” - ông Nghĩa nói. Ông Nghĩa mong muốn đề xuất của Sở Xây dựng sớm được TP đồng ý vì theo ông, như thế khái niệm ĐDCXDM cũng đã rõ. 
 
Tại đường 20, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, căn nhà hai tầng, một lửng của ông Đặng Văn Tỏ đã hoàn thiện từ tháng 7-2020. Lúc xin phép xây dựng, do nhà của ông nằm trong quy hoạch ĐDCXDM nên ông xin ba tầng và một lửng thì chỉ được CPXD tạm với hai tầng rưỡi và không được hoàn công. 
 
Ông Tỏ rất vui mừng khi biết thông tin về đề xuất được xây dựng chính thức trong quy hoạch ĐDCXDM. “Như vậy cũng đồng nghĩa với việc nhà tôi sẽ được hoàn công, hợp thức hóa” - ông Tỏ phấn khởi.
 
Tại hẻm 104 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 được quy hoạch là ĐHH, ông Phạm Đình Tuấn nhiều năm nay muốn xây dựng lại căn nhà đã xuống cấp vì được xây từ năm 2000. Tuy nhiên, quận 3 chỉ CPXD tạm và không thể hoàn công. Vì vậy, thông tin về việc được xây tới sáu tầng trong quy hoạch ĐHH khiến ông Tuấn rất vui mừng. Ông Tuấn cho biết gia đình ông sẽ làm thủ tục xin phép xây dựng ngay nếu đề xuất này được TP chấp thuận.
 

Cho xây nhà trong quy hoạch: Dân mừng, quận huyện phấn khởi - ảnh 1
Hẻm 134 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3 nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp và chỉ được cấp phép xây dựng tạm. Ảnh: VIỆT HOA 

 
Quận, huyện mong TP sớm chấp thuận
 
Việc giải quyết CPXD cho dân trong quy hoạch ĐHH và ĐDCXDM lâu nay luôn là bài toán khó cho các quận, huyện. Tính đến thời điểm này, vẫn đang mỗi nơi hiểu một kiểu và làm một kiểu, chưa có một văn bản hướng dẫn chính thức nào của cơ quan có thẩm quyền để áp dụng thống nhất. Trước đề xuất của Sở Xây dựng, lãnh đạo các quận, huyện cũng phấn khởi không kém gì người dân. 
 
Huyện Hóc Môn có gần 1.700 ha đất quy hoạch là ĐHH (535 ha) và ĐDCXDM  (1.164 ha). Lâu nay, huyện này chỉ CPXD tạm đối với nhà ở trong hai chức năng quy hoạch này. Trước đó, vào năm 2018, trong một buổi giám sát của HĐND TP, huyện Hóc Môn cho biết dù Sở QH-KT có văn bản hướng dẫn CPXD theo ba nhóm tương ứng với cấp chính thức, cấp tạm và chưa giải quyết cấp đối với ĐHH. Tuy nhiên, cùng một loại đất mà nơi cấp, nơi không cấp sẽ dẫn đến sự so bì nên huyện này chỉ CPXD tạm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, mỗi năm huyện giải quyết cấp khoảng 500 giấy phép xây dựng tạm trong đất quy hoạch ĐHH và ĐDCXDM. Với đề xuất CPXD chính thức của Sở Xây dựng đối với hai chức năng quy hoạch nêu trên, ông Tuyên cho biết là huyện rất đồng tình, ủng hộ. “Đề xuất này sẽ gỡ được nhiều vướng mắc cho huyện Hóc Môn cũng như các quận, huyện khác. Nếu được TP chấp thuận thì đây sẽ là một tin rất vui cho người dân” - ông Tuyên nói. 
 
Huyện Bình Chánh là một trong những địa phương có diện tích đất quy hoạch là ĐHH và ĐDCXDM rất lớn (gần 2.000 ha). Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện, suốt 13 năm nay, quy hoạch trên địa bàn huyện không thay đổi trong khi dân số tăng gấp đôi, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn. “Hiện nay, chúng tôi đang cho rà soát để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn” - ông Tài nói.   
 
Theo huyện Bình Chánh, diện tích đất quy ĐHH và ĐDCXDM chiếm 48% tổng diện tích đất dân cư (ĐHH là 50,66 ha và ĐDCXDM lên đến hơn 1.812 ha). Ông Tài cho hay huyện Bình Chánh hiện chỉ CPXD tạm đối với các trường hợp đã được công nhận là nhà ở, đất ở. Sau khi xây dựng xong thì người dân không được công nhận tài sản trên đất. Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh cho rằng như thế là rất thiệt thòi cho dân. 
 
Ông Tài cho biết với đề xuất cho xây dựng chính thức đến sáu tầng đối với hai chức năng quy hoạch nêu trên là điều rất phấn khởi. “Huyện Bình Chánh rất mong quy định này sớm được TP chấp thuận vì không chỉ giải tỏa áp lực về nhà ở cho dân mà còn nâng cao chỉ tiêu nhà ở bình quân đầu người tại huyện. Đồng thời hạn chế tình trạng vi phạm xây dựng, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai bớt áp lực” - ông Tài nói.
 

 Quận, huyện đồng tình ủng hộ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều quận, huyện khác cũng bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn TP sớm xem xét, chấp thuận để khôi phục quyền lợi cho dân. Đồng thời việc CPXD cũng được áp dụng thống nhất trên toàn TP đối với ĐHH và ĐDCXDM, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay. 
Hiện nay, một số quận, huyện có diện tích đhh rất lớn như quận 3, chiếm 20% diện tích, tập trung tại các phường Võ Thị Sáu, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Quận 12 có hơn 266 ha ĐHH và hơn 621 ha ĐDCXDM. Quận 9 (nay là một phần TP Thủ Đức) có 331 ha ĐHH, 120 ha ĐDCXDM…

 
VIỆT HOA