Lấy người dân làm trung tâm
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã quán triệt phương châm ngay từ đầu nhiệm kỳ là "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". Chính phủ trong nhiệm kỳ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
"Chính phủ đã quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước" - ông Mai Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã trải qua một giai đoạn rất đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật song Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc chuẩn bị một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật trình Quốc hội còn chậm; việc tổ chức thi hành pháp luật còn bất cập. Trách nhiệm của một số bộ, cơ quan, địa phương trong phối hợp công việc chưa cao dẫn đến kéo dài thời gian xử lý; còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới, chưa phản ứng kịp thời trước những vấn đề phát sinh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp vào ngày 23-2 Ảnh: NGUYỄN NAM
Rõ ràng trách nhiệm
Trình bày thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 021, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo, cơ bản nhất trí với những kết quả tích cực đã đạt được của Chính phủ. Tuy vậy, ông đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ thêm tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch; việc chậm triển khai các công trình trọng điểm giao thông. Theo ông Tùng, hiện còn 24 dự án chưa hoàn thành. Trong đó có một số công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư như: Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ bổ sung kết quả phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; kết quả, tỉ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội; việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một nhiệm kỳ thành công của Chính phủ. Về điều hành những công việc kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá có sự cân bằng tốt, không nặng về kinh tế, nhẹ về xã hội, văn hóa. Trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là năm cuối nhiệm kỳ nhưng Chính phủ đã vững vàng lèo lái, điều hành để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra rằng Chính phủ xử lý tồn tại cũ còn chậm, thúc đẩy những cái mới chưa nhanh và lấy dẫn chứng là xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương, hay việc triển khai các dự án quan trọng như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có việc đánh giá thành tích thì do sự điều hành rất nhạy bén, năng động của Chính phủ nhưng khi có tồn tại, khuyết điểm thì nhiều báo cáo nêu là do chính sách pháp luật chồng chéo, bất cập, chứ không phải do khâu tổ chức thực hiện. "Cái gì trách nhiệm của mình thì phải nhận. Nói chồng chéo thì phải nói rõ ở đâu, điểm nào, không thể nói cả hệ thống pháp luật chồng chéo" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kiện toàn bộ máy nhà nước vào cuối tháng 3
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 24-3 và bế mạc ngày 7-4, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, Quốc hội cũng chuẩn bị phương án dự phòng. Theo dự kiến, chương trình kỳ họp tập trung vào công tác tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, xem xét báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng. Quốc hội dự kiến sẽ dành 6,5 ngày cho công tác nhân sự, tập trung kiện toàn các chức danh của bộ máy nhà nước.