TTO - Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào việc cung ứng vắc xin, tăng độ bao phủ tiêm theo hình thức xã hội hóa, nên theo lộ trình năm 2021 không thiếu vắc xin.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Năm 2021 đảm bảo không thiếu vắc xin - Ảnh 1.

Theo lộ trình và tính toán của Bộ Y tế năm 2021 không thiếu vắc xin - Ảnh: Chinhphu.vn

Thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch sáng 24-2.

Ông Long cho hay vắc xin hiện nay có ba nguồn, bao gồm nguồn từ chương trình COVAX có khoảng 30 triệu liều, cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Tuy nhiên, liên quan đến yêu cầu bồi thường theo quy định quốc tế, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng sớm có chỉ đạo để thực hiện các thủ tục liên quan.

Theo COVAX thì trong tuần này COVAX sẽ có thông báo chính thức là số lượng vắc xin cho tất cả quốc gia trên thế giới. "Chúng ta có tổng khoảng 30 triệu liều và chúng tôi đang đàm phán với COVAX là làm sao trong năm 2021 sẽ cung ứng đầy đủ cho Việt Nam 30 triệu liều này" - ông Long nói.

Nguồn thứ 2 là mua từ Công ty Astra Zeneca, ông Long cho hay đã đàm phán lần cuối với công ty này. Với toàn bộ 30 triệu liều mua của Astra Zeneca, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay sẽ sớm trình Chính phủ thực hiện theo Luật đấu thầu và kết luận của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, nguồn thứ ba là vắc xin của Pfizer hiện đang đàm phán, khả năng sẽ cung cấp cho chúng ta 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy vậy, theo ông Long, vắc xin này có yêu cầu bảo quản khoảng -75oC và tiêm ngay sau khi rã đông, nên Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục đàm phán, huy động xã hội hóa đơn vị có hệ thống dây chuyền lạnh, đảm bảo tài chính.

"Chúng ta có khoảng 90 triệu liều vắc xin" - ông Long nói thêm là tuần này sẽ cấp phép thêm với vắc xin của Nga, thúc đẩy vắc xin với Ấn Độ và một số công ty tư nhân...

"Chúng ta huy động toàn bộ xã hội tham gia vào việc cung ứng vắc xin, tăng độ bao phủ tiêm theo hình thức xã hội hóa. Nếu tính theo lộ trình như vậy thì năm 2021 chúng tôi xin bảo đảm không thiếu vắc xin" - ông Long khẳng định.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ tập trung để triển khai tiêm, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện bộ đang cấp tập chuẩn bị kịch bản tiêm với phương châm là huy động tất cả đơn vị ngành y tế, ngoài ngành y tế, các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác tham gia vào tiến trình tiêm.

 

Về dự thảo nghị quyết liên quan đến vắc xin, ông Long cũng cho hay đang xây dựng dự thảo và trình Chính phủ với quan điểm "mua loại chúng ta có thể triển khai bảo quản sử dụng cũng như tiêm chủng đã quen, còn mua những cái khó sau".

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với các vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế nêu và khẳng định chiến lược 100 triệu dân được tiêm vắc xin nhưng chưa thể đủ ngay lượng cần có để tiêm nên cần có thứ tự ưu tiên.

"Nguyên tắc rất quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao trước, thấp sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau. Tinh thần là lo đủ vắc xin cho người dân Việt Nam nhưng do điều kiện cụ thể không thể tiêm ngay được nên phải có thứ tự ưu tiên", Thủ tướng nhấn mạnh.

Vietnam Airlines đề xuất đảm nhận vận chuyển vắc xin COVID-19

Ngày 24-2, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất với cơ quan y tế để trở thành hãng hàng không vận chuyển vắc xin phòng chống dịch COVID-19 về Việt Nam.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực cần thiết để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất về vận chuyển vắc xin bằng đường hàng không. Một đơn vị đặc trách của hãng được thành lập để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.

Hiện Vietnam Airlines đã có đầy đủ dịch vụ hậu cần, kho lạnh hiện đại, cùng nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp và quy trình vận chuyển hàng hóa đông lạnh toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế. Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng triển khai dịch vụ container lạnh để chứa vắc xin.

Bên cạnh đó, hãng này cho biết có nhiều kinh nghiệm trong việc vận chuyển hàng hóa y tế như thuốc men, trang bị phẫu thuật, nội tạng để cấy ghép..., kể cả trong tình trạng rất cấp bách về thời gian. (C.TRUNG)