Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ "chốt" một số vấn đề về phòng chống Covid-19. Ảnh: VGP
Quy định đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin tại một nghị quyết
Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp. Thứ nhất, về vấn đề vắc-xin, tuy có vắc-xin về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vắc-xin với những đối tượng được ưu tiên.
Chiến lược của chúng ta là "vắc-xin + 5K", Thủ tướng nêu rõ, không vì vắc-xin mà chúng ta chủ quan.
Tinh thần là bao phủ vắc-xin cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể ngay một lúc cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên, Thủ tướng cho rằng, ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu, thứ 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly, thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.
Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vắc-xin quan tâm tới Việt Nam để có khối lượng cần thiết tiêm cho nhân dân.
Phải có ngay quy chế về lưu thông hàng hóa vùng có dịch
Về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như TP HCM sáng nay công bố hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa. "Các đồng chí xem xét cụ thể để không ách tắc"- Thủ tướng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên và hiện nay trên 51 địa phương đã cho học sinh trở lại học tập bình thường.
Các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương, nhất là Bộ Quốc phòng chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở y tế tập trung.
Chuẩn bị các khu vực giao dịch an toàn
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương có thể chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm, đó là các khu vực giao dịch an toàn, không để ách tắc.
Thủ tướng nêu rõ bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà chúng ta ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển.
Dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố Theo báo cáo của Bộ Y tế (tính đến 16 giờ ngày 23-2-2021), từ ngày 25-1-2021 đến nay đã ghi nhận 809 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.401, trong đó có 1.469 ca trong nước. Đến nay có 1.717 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (chiếm 70%), đang điều trị 640 trường hợp (chiếm 29,5%); hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 82,5%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và 19 trường hợp (2,7%) tiên lượng nặng, nguy kịch. 10 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, gồm: Hòa Bình (25 ngày), Điện Biên (20 ngày), Hà Giang (20 ngày), Bình Dương (19 ngày), Hưng Yên (17 ngày), Bắc Giang (15 ngày), Gia Lai (14 ngày), Bắc Ninh (13 ngày), TPHCM (12 ngày), Hà Nội (9 ngày). Tại Hải Dương, tính đến nay đã qua 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh (từ ngày 16/2), 4 ngày gần đây số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa. Trong 5 ổ dịch chính, 2 ổ dịch tại Kinh Môn và Nam Sách cơ bản đã được khống chế khi trong mấy ngày vừa qua chỉ rải rác 1 đến 2 ca trong ngày; ổ dịch tại Chí Linh và Cẩm Giàng đã có dấu hiệu khả quan hơn khi 3 ngày gần đấy số ca trong ngày đã giảm xuống dưới 5 ca; ổ dịch tại TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi sát khi ghi nhận ca bệnh trong cùng một gia đình được phát hiện thông qua giám sát triệu chứng, gồm 4 ca tại Phường Hải Tân, TP Hải Dương, trong đó BN2287 tiếp xúc gần BN1734, BN1734 liên quan ổ dịch (đám cưới) tại xã Nam Tân huyện Nam Sách (nơi có công nhân Công ty POYUN tham dự). Đối với ổ dịch thứ 6, ổ dịch mới tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc mới, xuất phát từ 1 trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện thông qua rà soát, sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. Nhận định chung, theo Bộ Y tế, tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố, gần 2 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, khẩn trương quay trở lại lao động, sản xuất và duy trì các biện pháp phòng chống dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết, không để xảy ra các tình huống phức tạp về dịch bệnh. Bộ Y tế xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin và làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vắc-xin để sớm đưa vắc-xin phòng bệnh Covid-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Đồng thời chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước; xã hội hóa và huy động các nguồn lực phục vụ việc cung cấp vắc-xin phòng bệnh Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất. Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86°C, 51 kho lạnh từ 2-8°C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vắc-xin chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vắc-xin. |