TTO - Đại biểu Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng để giải quyết dứt điểm vấn nạn "hung thần" karaoke tự phát cần phải tăng mức xử phạt cũng như tăng sự quyết liệt can thiệp, xử lý của người có trách nhiệm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn nạn tiếng ồn từ "hung thần" karaoke tự phát, đại biểu Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - chia sẻ: "Phải nói ngay cả tôi cũng thấy rất phiền chuyện ca hát tự phát gây tiếng ồn. Vấn nạn này phổ biến khắp cả nước, từ vỉa hè, lòng đường, hẻm phố gây tiếng ồn dồn dập, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân xung quanh".
* Là đại biểu Quốc hội, ông đã bao giờ nghe cử tri phản ảnh về vấn nạn tiếng ồn này chưa?
- Phải nói là không chỉ một, mà rất nhiều lần. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri người dân rất phiền hà, lên tiếng phản ảnh về vấn nạn tiếng ồn từ loại hình này. Cử tri và chính đại biểu chúng tôi sau đó cũng đặt câu hỏi tại sao chúng ta không dẹp được vấn nạn này gây ảnh hưởng tiếng ồn.
Tại sao cứ để tình trạng hát karaoke loa kẹo kéo mặc sức diễn ra? Không kể buổi trưa, buổi tối, người ta muốn hát là hát, muốn ca là ca. Nhất là mấy ông say xỉn vào càng mở hết âm lượng lên, làm náo loạn cả xóm làng.
* Ông đã có câu trả lời tại sao lâu nay không dẹp được vấn nạn này chưa?
- Phải nói rõ trách nhiệm trước tiên là của chính quyền địa phương trong việc để những đối tượng ca hát gây tiếng ồn.
Vấn đề hiện nay là khi người dân phản ảnh, chính quyền phải có biện pháp ngăn chặn hoặc đến nhắc nhở. Tôi nghĩ khi chính quyền địa phương đến nhắc nhở, người hát sẽ nghe và hạn chế được những mâu thuẫn đáng tiếc.
Đằng này chính quyền tự cho rằng không có thiết bị đo âm thanh, tiếng ồn nên không đến giải quyết.
Cũng có trường hợp chính quyền, đặc biệt cấp ấp, khu phố người ta du di, sợ mất lòng nên ngại không dám đến nhắc nhở. Đây là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Chính quyền địa phương không giải quyết nên người dân tự giải quyết với nhau, lời qua tiếng lại rồi xảy ra ẩu đả, thậm chí có những vụ án thương tâm xảy ra do tiếng ồn hát karaoke tự phát.
Hát karaoke với loa khuếch đại âm thanh làm phiền lòng hàng xóm (ảnh chụp tại một con hẻm ở TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
* Vậy theo ông, phải làm sao để có thể dẹp bỏ vấn nạn gây tiếng ồn từ loại hình hát karaoke tự phát?
- Rõ ràng chúng ta không thể cấm được việc hát karaoke tự phát bởi đây là loại hình vui chơi, giải trí của người dân.
Nhưng chúng ta phải kiểm soát được mức độ âm lượng cũng như giới hạn thời gian cho phép loại hình này hoạt động cho phù hợp, tránh ảnh hưởng người xung quanh.
Do vậy, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường cần bàn bạc, phối hợp để xác định lại mức độ âm thanh, thời gian cho phép người dân hát karaoke thật cụ thể. Để từ đó các cơ quan ở địa phương có căn cứ xử lý.
Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần có quy định rạch ròi, rõ ràng, cụ thể về thời gian, âm lượng cho phép khi hát karaoke tự phát trong khu dân cư.
* Thật ra lâu nay những quy định ô nhiễm tiếng ồn và an ninh trật tự cũng đã có. Tuy nhiên cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường cho rằng không có thiết bị đo âm thanh hoặc không có lực lượng xử lý. Vậy theo ông, có nên để người dân ghi âm, ghi hình lại cảnh hàng xóm hát ồn ào làm bằng chứng phạt nguội được không?
- Tôi nghĩ việc người dân xung quanh ghi âm, ghi hình cảnh người khác hát karaoke tự phát gây tiếng ồn là được nhưng không phải tối ưu, hữu hiệu. Người vi phạm sau đó cũng tìm mọi cách chối hoặc yêu cầu đo đạc âm thanh.
Bởi vậy, việc quan trọng nhất là khi người dân phát hiện báo cho chính quyền thì người có trách nhiệm, nhiều khi chỉ cần cấp ấp, khu phố đến nhắc nhở để người ta điều chỉnh hành vi. Tôi nghĩ rằng chủ nhà sẽ nghe lời.
Còn nếu không thì sau đó mình lập biên bản xử phạt. Dù không đo được tiếng ồn nhưng âm thanh hát hò phát ra inh tai nhức óc thì tôi cho rằng đây là hành vi vi phạm về trật tự văn hóa xã hội, có thể xử lý, xử phạt được.
* Có cần tăng mức xử phạt về hành vi gây tiếng ồn này không, thưa ông?
- Việc xem lại mức phạt cho nghiêm, đủ sức răn đe là cần thiết. Tuy nhiên, dù có mức phạt nặng nhưng chưa có phần xử phạt quyết liệt thì tôi cho rằng họ (người vi phạm - NV) không ngại và cũng sẽ không tuân thủ chấp hành.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (trưởng phòng công tác thi hành pháp luật và quản lý xử phạt vi phạm hành chính Sở Tư pháp TP.HCM): Xử lý tiếng ồn hát hò nên tập trung các biện pháp xã hội Quy định xử phạt hành chính về tiếng ồn hiện hành không hiệu quả để ngăn chặn tiếng ồn từ hát karaoke, nhất là hát bằng loa tại khu dân cư. Bởi việc xử phạt vướng khó khăn về phương tiện đo độ ồn, nhân lực có chuyên môn đo độ ồn… và phải thực hiện chặt chẽ theo quy định. Trong khi đó người hát đối phó, khi thấy lực lượng chức năng đến thì đã tắt loa, nghỉ hát. Tuy nhiên, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh quy định để các địa phương có thể xử phạt, răn đe cũng có những vướng mắc. Về ý kiến cho rằng có thể sử dụng clip ghi hình (có tiếng) việc hàng xóm hát gây ồn làm cơ sở xử lý thì theo tôi là không đủ tin cậy, khó làm cơ sở pháp lý để xử lý hành vi gây ồn. Clip ghi nhận, phản ánh của người dân chỉ có thể là cơ sở để địa phương nhắc nhở người gây ồn. Thêm vào đó, cũng cần nhìn rộng ra rằng việc người dân bức xúc tiếng ồn từ việc hát karaoke, hát với loa khuếch đại âm thanh không hẳn là tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép hay đinh tai nhức óc, mà còn là cảm giác bị làm phiền khi phải nghe âm thanh, tiếng hát…không mong muốn trong thời gian dài. Vì vậy, theo tôi, để hạn chế hiệu quả tiếng ồn từ hát karaoke, hát có loa gây ồn cần tập trung các biện pháp xã hội. Ví dụ như đưa tiêu chí chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, không gây tiếng ồn ở khu dân cư làm tiêu chuẩn văn hóa khu dân cư; phát triển quy ước, giám sát về văn hóa (không gây tiếng ồn) tại khu phố; địa phương vận động chủ nhà trọ đặt ra quy ước, giám sát tiếng ồn, hát hò tại khu trọ… Bên cạnh đó, cần giao trách nhiệm cho địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, rà soát khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh… Tháng 7-2019, từ tham mưu của Sở Tư pháp, UBND TP.HCM đã có ban hành văn bản 2653 chỉ đạo về triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn, việc rải đinh, vật nhọn trên đường. Trong đó tiếp tục giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự tại địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cư dân. Ngoài ra, nhiều sở ngành liên quan cũng được giao các nhiệm vụ tương ứng để xử lý, hạn chế tiếng ồn. Dịp Tết Nguyên đán 2021 vừa qua (ngày 2-2-2021), UBND TP cũng có văn bản chỉ đạo về về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn với quan điểm giao trách nhiệm rà soát, kiểm tra thường xuyên cho địa phương cơ sở. |