PNO - Theo Ban An toàn thực phẩm (ATTP), nhiều mẫu thực phẩm sau khi kiểm nghiệm kết quả cho thấy dù trong chuỗi 'thực phẩm an toàn' nhưng vẫn vi phạm vệ sinh ATTP.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (Ban ATTP), tính riêng trong năm 2020, cơ quan này dã lấy 13.676 mẫu giám sát với 43.615 chỉ tiêu (bao gồm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, dư lượng thuốc thú y, hóa chất cấm).
Ban ATTP tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên nguồn thực phẩm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại chợ An Đông (quận 5). Ảnh: Quốc Thái |
Kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm rau, củ, quả, và trái cây được mẫu giám sát tại chợ đầu mối được phân tích các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với 570 mẫu cho thấy có tới 271/570 mẫu (chiếm 47,54%) phát hiện dư lượng thuốc BVTV.
Trong đó, dư lượng BVTV nằm trong mức giới hạn cho phép: 198 mẫu (chiếm 34,7%), còn lại không nằm trong danh mục cho phép sử dụng, cụ thể là hoạt chất Carbendazim 58 mẫu (chiếm 10,2%); dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép: 20 mẫu (chiếm 3,5%)…
“Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư thuốc BVTV nhiều hoạt chất (16 mẫu), trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc BVTV. Người nông dân vẫn sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm, chưa cập nhật kịp thời và hiểu rõ quy định của pháp luật, đồng thời tuy đã đưa ra khỏi danh mục được phép mua bán và sử dụng nhưng hiện nay các loại thuốc BVTV chứa hoạt chất Carbendazim vẫn còn lưu hành trên thị trường”, Ban ATTP nhận xét.
Ban ATTP kiểm tra thực phẩm tại chợ nông sản Thủ Đức năm 2019. Ảnh: Quốc Thái |
Để đảm bảo chất lượng thực phẩm an toàn từ nguồn, Ban ATTP cũng đã ký kết với Sở Nông nghiệp một số tỉnh, thành như Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp… Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” (đề án). Phối hợp với các sở ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn về ATTP, thẩm định và cấp chứng nhận cho mô hình chuối thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, vẫn có những vi phạm về ATTP được phát hiện trong chính đề án này. Năm 2019, Ban ATTP lấy 360 mẫu giám sát các chỉ tiêu ATTP trong “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Kết quả, có 26 mẫu tồn dư dư lượng thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng; 13 mẫu có dư lượng thuốc vượt mức giới hạn tối đa và 13 tồn dư hóa chất cấm sử dụng.
Những mẫu không đạt được Ban truy xuất nguồn gốc và thông báo tới các cơ sở thực phẩm, đồng thời yêu cầu cơ sở báo cáo giải trình gửi về Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Trong đó, phải giải thích rõ nguyên nhân và hành động khắc phục nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Trong năm 2020, Ban Quản lý ATTP tiếp tục lấy 305 mẫu giám sát sản phẩm đối với cơ sở kinh doanh tham gia chuỗi thực phẩm an toàn để giảm sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tham gia chuỗi.
Ngoài ra, về tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố từ 2017 đến 2020 chỉ xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm, giảm 9 vụ so với giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016 (xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm).
Bảng so sánh tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn trước khi thành lập Ban ATTP (2014-2016) và giai đoạn sau khi thành lập Ban ATTP (2017 - 2020). |
“Các kết quả trên cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt. Đây là kết quả của việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thông qua việc thực hiện đồng bộ các hoạt động nâng cao nhận thức, hoàn thiện quy trình, tăng cường thanh kiểm tra, thống nhất trong xử lý thông tin và đồng bộ trong phối hợp giữa các sở, ngành”, Ban ATTP thông tin.
Quốc Thái