Trong đợt Tết nguyên đán vừa qua, hàng Tết Việt Nam không chỉ được bày bán và tiêu thụ tốt tại hệ thống siêu thị của người châu Á tại Úc mà còn tại hệ thống siêu thị lớn của Úc như Woolworth…
Thị trường lớn hút hàng
Úc là một trong những thị trường xuất khẩu nổi bật và nhiều triển vọng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1, xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc tăng tới 62,08% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 392 triệu USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng đột biến như: thủy sản tăng 106,09%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 69,95%, đồ chơi và bộ phận của đồ chơi tăng 218,11%; dệt may tăng 62,72%; giày dép tăng 72,47%; dây điện và dây cáp điện tăng 329,68%; chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 900%; nông sản rau quả tăng 37,16%...
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2021 sẽ tiếp tục triển khai triển lãm trực tuyến quốc tế "Nguồn hàng Việt Nam năm 2021" tại Úc, bên cạnh các sự kiện xúc tiến ngành hàng (Biz dinner). Trong đó có việc tăng cường vai trò tham gia của các hiệp hội DN tại Úc, thúc đẩy các DN Úc và DN Việt kiều trở thành nhà phân phối sản phẩm Việt Nam tại Úc và các đảo quốc lân cận.
Trái cây Việt Nam được bán tại siêu thị ở Úc. (Ảnh do Bộ Công Thương cung cấp)
Bên cạnh Úc thì Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng đầu của Việt Nam với kim ngạch lần lượt 7,5 tỉ USD và 5,8 tỉ USD. Tiếp đến là EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ là nơi tiếp nhận nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm: hàng điện thoại và các loại linh kiện có giá trị xuất khẩu 6,1 tỉ USD, tăng 1,49 tỉ USD so với tháng trước và tăng 3,4 tỉ USD so với cùng kỳ; dệt may xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,3 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ…
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group (TP HCM), cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, khi thế giới chưa có dịch Covid-19, đơn hàng của DN ông vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Các thị trường chính của công ty ông gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn có đơn hàng ổn định, chỉ riêng xuất khẩu sang EU giảm do còn ảnh hưởng dịch bệnh.
Công ty Tôn Hòa Phát (thuộc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) ghi nhận xuất khẩu 10.000 tấn tôn mạ kẽm cho các đối tác đến từ 2 nước châu Âu là Bỉ và Tây Ban Nha trong tháng 1. Tháng 2 này, DN tiếp tục xuất thêm đơn hàng 12.000 tấn sản phẩm, chủ yếu là tôn mạ lạnh, sang thị trường châu Mỹ. "Từ năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất hằng năm 300.000-400.000 tấn tôn mạ, trong đó duy trì tỉ trọng xuất khẩu 30%-40%, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới" - đại diện DN này tự tin.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nhận xét với kết quả tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao và có khả năng thu lời nhiều, xuất khẩu sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột của "cỗ xe tam mã" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt, xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào thành tích tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam thời gian qua.
Nhiều triển vọng
Cho biết 2 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 574,935 triệu USD, tăng 8,08% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay điểm mới của xuất khẩu rau quả thời gian qua là dòng sản phẩm chế biến như sấy, đông lạnh tăng vượt bậc. Năm 2020, xuất khẩu nhóm sản phẩm này chiếm tỉ trọng 24% toàn ngành, tăng mạnh so với mức 10% trước đây, dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021.
"Dịch bệnh đã khiến việc vận chuyển sản phẩm tươi trở nên khó khăn, nhờ vậy mà sản phẩm chế biến với thời gian bảo quản lâu có lợi thế. Hơn nữa, những năm gần đây, nhiều nhà máy chế biến rau quả được đầu tư, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thế giới nên có thể chớp cơ hội tăng xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp rau quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn ở nhiều thị trường nhập khẩu" - ông Nguyên giải thích.
Mặt hàng đồ gỗ đạt giá trị xuất khẩu tháng 1 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển SX-TM Sài Gòn Sadaco, nhận định cùng vì dịch bệnh dai dẳng nên người dân nhiều nước trên thế giới tiếp tục ở nhà nhiều hơn, kéo theo nhu cầu mua sắm đồ gỗ nội thất năm 2021 vẫn giữ xu hướng tăng mạnh như năm 2020.
"Năm ngoái, các nhà nhập khẩu, phân khối đồ gỗ trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam khá nhiều. Họ đặt hàng trực tiếp tại các DN Việt Nam mà không phải qua khâu trung gian từ Hồng Kông (Trung Quốc) như trước đây. Để đáp ứng đơn hàng lớn cũng như có được giá thành tốt, họ không đặt hàng một chỗ mà đặt làm theo từng công đoạn ở nhiều DN khác nhau" - ông Mạnh thông tin và cho biết đây là cơ hội tốt cho ngành gỗ Việt Nam phát triển nếu được nhà nước hỗ trợ chính sách đầu tư chuyển đổi máy móc với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, Giám đốc Công ty Gỗ Danh Mộc - nhận định chính năng lực của các nhà máy gỗ Việt Nam phát triển tốt đã tạo nền tảng cung ứng ổn định, đa dạng, linh hoạt trong sản xuất. Việc phân bổ số lượng nhà máy ở các khu vực cũng khá đồng đều nên bảo đảm an toàn, không bị gián đoạn sản xuất trong dịch Covid-19. Nhờ đó, xuất khẩu gỗ tháng đầu năm 2021 tăng trưởng tốt dù cả năm dự báo khó đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm ngoái bởi giá nguyên liệu hiện tăng khoảng 10%-15%.
Theo nhận định của ông Hoàng Trọng, phó tổng giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn năm 2020. Bởi sau 1 năm trải qua đại dịch, chuỗi cung ứng hàng hóa đã hồi phục và bắt nhịp trở lại. Dù dịch bệnh còn tiếp diễn thì tiêu dùng trên toàn cầu vẫn được duy trì, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng hóa thô phục vụ sản xuất. Đặc biệt, những FTA mà Việt Nam đã ký kết đi vào hiệu lực sẽ giúp nhiều dòng sản phẩm được miễn, giảm thuế, đồng thời thu hút hoạt động giao thương với thế giới.
Cước vận tải container vẫn neo cao Ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Mega, cho hay giá cước vận tải container dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao gây khó cho DN. Hiện giá cước vận tải container 40 feet hàng khô sang Trung Quốc còn 7 -12 triệu đồng/container; hàng đông lạnh đi Nhật 47 triệu đồng/container, đi Hàn Quốc 67 triệu đồng/container, đi Thái Lan khoảng 44 triệu đồng/container, Dubai khoảng 113 triệu đồng/container... Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết giá cước vận tải đường biển cao đã làm cho hàng hóa xuất khẩu hình thành mặt bằng giá mới. Trừ các hợp đồng cũ đã chốt giá, những hợp đồng mới đều đàm phán giá mới. Do vậy, năm nay, có thể nhiều DN sẽ có doanh số cao hơn nhưng chủ yếu là "thu hộ" cho các hãng vận chuyển. |