Thông tin lô vắc xin đầu tiên về Việt Nam khiến các doanh nghiệp dồn dập công bố sẽ đăng ký mua vắc xin cho cán bộ, nhân viên cũng như gia đình của họ...
Kho chứa vắc xin Covid-19 của VNVC và AstraZeneca VN tại TP.HCM
ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
117.600 liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên của Hãng AstraZeneca (Anh) vừa được thông quan nhập khẩu vào Việt Nam đã làm người dân và doanh nghiệp trên cả nước phấn khởi.
Dồn dập đăng ký
Theo đó, nhiều doanh nghiệp, thậm chí trường học quốc tế, đã lên kế hoạch đặt mua vắc xin cho cán bộ, nhân viên (CBNV) của mình và cả người nhà của họ. Công ty cổ phần xây dựng Coteccons thông tin đăng ký mua vắc xin Covid-19 cho 8.000 CBNV và người thân. Rồi nhiều đơn vị khác cũng công bố đăng ký mua vắc xin phòng chống Covid-19 như BIDV dùng quỹ phúc lợi để đăng ký mua vắc xin tiêm cho 25.000 CBNV và mỗi NV có 4 người nhà đi kèm.
Tập đoàn Đất Xanh cũng sẽ tài trợ 100% chi phí tiêm vắc xin cho toàn thể CBNV tập đoàn trên toàn hệ thống. Đồng thời, Đất Xanh cũng sẽ tài trợ chi phí và tạo cơ hội tiếp cận nguồn vắc xin chất lượng cho các khách hàng giao dịch các sản phẩm do tập đoàn phát triển. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 7.300 CBNV đang làm việc tại 68 công ty trong hệ thống công ty thành viên thuộc Tập đoàn Đất Xanh. Với chương trình này, các nhân sự chính thức đang làm việc trên toàn hệ thống Đất Xanh cùng người thân của họ sẽ được tài trợ 100% chi phí tiêm ngừa.
Kiểm tra nhiệt độ tại kho bảo quản vắc xin Covid-19 tại VNVC ẢNH: VNVC |
Hội đồng quản trị của Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã thống nhất dùng ngân sách từ quỹ phúc lợi để mua vắc xin Covid-19 cho CBNV của công ty. Ngoài ra, nhằm chung tay hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong xã hội, PNJ đã phát động CBNV quyên góp gần 270 triệu đồng vào quỹ “Chung một tấm lòng” của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) để ủng hộ kinh phí mua vắc xin cho người nghèo.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang làm việc với đơn vị cung cấp là Công ty CP Vacxin Việt Nam (VNVC) cũng như các cơ quan chức năng để sớm đưa vào thực hiện chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn thể CBNV và người thân theo đúng quy định. Dự kiến tổng số lượng vắc xin do Tập đoàn Hưng Thịnh đăng ký mua và tài trợ tiêm miễn phí lên đến trên 14.000 liều.
Tuy nhiên phía VNVC chỉ tiếp nhận thông tin đăng ký mà không có phản hồi chính thức rằng có mua được hay không, thời gian bao lâu sẽ có và mua được bao nhiêu liều vắc xin. “Hiện nay vắc xin đang khan hiếm nên phía VNVC vẫn ưu tiên cho các đối tượng mà Chính phủ quy định. Không những thế, hiện vắc xin phải được Chính phủ điều tiết”, đơn vị này cho biết.
Xác nhận thông tin này, ông Trịnh Quang Đồng, đại diện HĐQT Hệ thống Trường quốc tế Canada (CISS), cho biết ngay từ trước Tết Nguyên đán trường đã hoàn tất thủ tục đăng ký với VNVC mua vắc xin Covid-19 để tiêm cho toàn thể giáo viên, nhân viên của trường (do chưa có vắc xin cho người dưới 18 tuổi), nhưng chỉ mới dừng ở việc ghi nhận đăng ký. Nhà trường đã dành khoảng 3 tỉ đồng cho kế hoạch này và mong muốn nếu được phép sẽ đăng ký tiêm cho cả phụ huynh toàn hệ thống.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, hiện đã có chủ trương dùng ngân sách nhà nước để mua và sử dụng vắc xin cho toàn dân, nhưng việc Tập đoàn Hưng Thịnh cũng như nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả chi phí tiêm ngừa vắc xin cho CBNV và thậm chí cho cả người thân của CBNV không chỉ là cách ứng phó cần thiết để bảo vệ con người - tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm chia sẻ với nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội.
Thêm Bình Dương, Đồng Nai đề xuất mua vắc xin Covid-19
Sau Hà Nội, Hải Phòng, ngày 25.2, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương này đang có kế hoạch bố trí ngân sách và tìm nguồn mua vắc xin phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho người dân. Bình Dương hiện có gần 3 triệu dân, trong đó có trên 2 triệu người lao động từ khắp các tỉnh, thành khác và chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Hiện các chuyên gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang làm việc tại Bình Dương cũng rất nhiều. Do đó Bình Dương cần một số lượng vắc xin phòng Covid-19 lên đến hàng triệu liều cung cấp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Có cách ly người đã tiêm vắc xin?PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lưu ý: “Thông thường, sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 15 ngày, cơ thể sẽ có miễn dịch, chống lại vi rút, và nồng độ cao hơn sau tiêm mũi 2. Nhưng mức độ bảo vệ trong thời gian bao lâu thì cần thêm thời gian. Hiện tại, chúng ta vẫn thực hiện cách ly với tất cả người nhập cảnh, chưa có quy định riêng với các trường hợp đã tiêm vắc xin Covid-19”.
Theo ông Phu, để có miễn dịch chủ động cộng đồng thì phải bao phủ vắc xin khoảng 60 - 70% dân số; và trong kế hoạch, chúng ta cũng hướng đến 80% dân số được tiêm. Tuy nhiên, trong khi việc tiêm vắc xin chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm hoặc đề phòng sự biến thể của vi rút khiến vắc xin vừa được tiêm không có tác dụng. Vì vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Mỗi người sẽ cần tiêm 2 mũi đối với loại vắc xin AstraZeneca. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau tiêm vắc xin cần theo dõi sức khỏe, nếu có các bất thường, cần báo ngay cho cơ sở y tế.
Liên Châu
|
Trước đó, ngày 24.2, Sở Y tế Đồng Nai cũng đề xuất với UBND tỉnh này mua 6,2 triệu liều vắc xin, tương ứng với 3,1 triệu dân (mỗi người dân sẽ tiêm 2 mũi vắc xin) để phòng ngừa Covid-19.
Chưa triển khai tiêm dịch vụ
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho hay: “Bộ Y tế đã lên danh sách 11 nhóm ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19, trong đó nhân viên y tế là một trong những đối tượng ưu tiên hàng đầu. Với những đối tượng ở địa điểm nguy cơ cao hơn sẽ được tiêm trước. Do đó, nhân viên y tế ở vùng đang có dịch; cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch có thể sẽ được tiêm trước”.
Đề xuất phê duyệt thêm 2 loại vắc xin của Mỹ và NgaNgày 25.2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho 2 vắc xin phòng Covid-19, bao gồm vắc xin của Công ty Moderna (Mỹ) và vắc xin của Công ty JSC Generium (Nga) để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, theo quy định tại điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Dược.
Đây là 2 vắc xin mới, sau khi đã có vắc xin Covid-19 của AstraZeneca (Anh) được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu về đến Việt Nam vào ngày 24.2.
Trước nhu cầu tự mua vắc xin Covid-19 của các đơn vị, doanh nghiệp, ông Phu cho hay: “Quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 nhưng hiện nay sẽ ưu tiên cho đối tượng có nguy cơ đã được đề cập trong kế hoạch của Bộ Y tế, còn các doanh nghiệp muốn tiêm cũng phải ưu tiên cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên trước. Tại thời điểm này, chúng ta chưa triển khai tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19”.
|
Đại diện của VNVC, đơn vị nhập khẩu vắc xin Covid-19, cho biết thêm: “Chúng tôi đã sẵn sàng tham gia chiến dịch tiêm chủng, khi được Bộ Y tế yêu cầu. Số vắc xin về Việt Nam đều được phân phối theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đơn vị có nhu cầu mua vắc xin có thể liên lạc với đơn vị nhập khẩu để được cập nhật thông tin phù hợp với từng giai đoạn và khi tiếp cận nguồn cung”.