Sau nhiều năm loay hoay, TP.HCM đã xây dựng một lộ trình chi tiết để “khai tử” các phương tiện mô tô, xe máy cũ nát khỏi hệ thống giao thông của TP.
TP.HCM quyết loại bỏ xe gắn máy cũ nát nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường
ẢNH: KHẢ HÒA
Từ kiểm soát tới cấm hẳn
Bắt đầu từ giữa năm 2019, khi người dân TP.HCM liên tiếp phải đối mặt với nhiều đợt không khí ô nhiễm nghiêm trọng, Sở GTVT đã chủ động triển khai chương trình thí điểm kiểm tra khí thải xe máy và liên tục đề xuất UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm kiểm soát khí thải xe máy, mô tô đang lưu thông trên địa bàn.
Mặc dù mức giá dịch vụ kiểm định 50.000 đồng/năm/xe được đánh giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, nhưng đại diện đơn vị lập đề án nhận định, nhóm người này thường sử dụng các xe cũ, có số năm sử dụng cao, phải bảo dưỡng bộ phận khí thải hoặc thay thế một số bộ phận, thậm chí phải thu hồi xe vì không đạt tiêu chuẩn khí thải. Do đó, để tránh gây tác động lớn đối với người nghèo, người thu nhập thấp (có xác nhận của chính quyền địa phương), TP nên có giải pháp miễn phí kiểm định khí thải xe máy. Đồng thời, nhà sản xuất cũng nên xem xét, có chính sách hỗ trợ về giá phụ tùng thay thế cho người dân nghèo. Đối với các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải thì có chính sách hỗ trợ thu hồi. |
Theo đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP”, lộ trình thực hiện được đề xuất gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2021 - 2022) với nhiệm vụ chính là xin Thủ tướng chủ trương thực hiện thí điểm kiểm soát khí thải và xây dựng, ban hành các chính sách, các quy định về kiểm định xe máy. Trong giai đoạn này, TP cũng sẽ tiến hành chương trình tuyên truyền, vận động sâu rộng về chính sách kiểm soát khí thải.
Từ 2023 - 2024 là giai đoạn thử nghiệm. Xe máy (gồm xe 2 và 3 bánh) đang lưu hành không kể năm sản xuất, hãng sản xuất, dung tích xy lanh, địa phương đăng ký... đều phải đo kiểm tra khí thải và được dán tem kiểm định khí thải. Phạm vi kiểm soát bao gồm toàn bộ xe đang lưu hành trên địa bàn toàn TP. Từ đây, cơ quan chức năng bắt đầu phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên. Khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 được lưu thông, các xe vi phạm sẽ bị phạt hành chính.
Giai đoạn thực thi một phần (2025 - 2026): Xe máy mới phải dán tem về khí thải khi bán ra thị trường. Xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra khí thải. Tất cả phương tiện từ 5 năm sử dụng trở lên đều phải đo kiểm tra khí thải. Phạm vi kiểm soát mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải cho các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình, tùy mức tiêu chuẩn khí thải sẽ xác định xe phải kiểm soát theo năm sử dụng (có thể là 3 năm sử dụng). Song song, thực hiện chính sách tổ chức giao thông các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải lưu thông tại các khu vực đã phân vùng.
Tới giai đoạn thực thi toàn phần (2027 - 2030), TP sẽ mở rộng vùng yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải cho 13 quận trung tâm gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp.
Mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2026 - 2030 là tiếp tục nâng mức giới hạn tiêu chuẩn khí thải, mở rộng phân vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường nhằm điều chỉnh lưu thông của xe máy, tiến tới ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các điều kiện tiếp cận đã đáp ứng.
|
Miễn phí kiểm định cho người nghèo
Theo đơn vị xây dựng đề án, tổng kinh phí thực hiện đề án kiểm soát khí thải tại TP.HCM là 553,06 tỉ đồng. Với chi phí đầu tư một trạm kiểm định (1 thiết bị đo khí thải) được tính toán khoảng 354,4 triệu đồng cho một năm, giá dịch vụ kiểm định khí thải được tính toán cho 1 xe máy là 33.500 đồng/xe. Thực tế, quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục, do đó năng suất kiểm định chỉ dự kiến bằng 70% năng suất tối đa, khi đó giá kiểm định tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định.
Ông Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện Môi trường, Viện Khoa học và công nghệ GTVT (đơn vị phối hợp cùng Sở GTVT TP.HCM thực hiện đề án), cho biết hoạt động kiểm định khí thải xe máy mang tính chất dịch vụ vì mục đích bảo vệ môi trường nên phải có nguồn thu hợp lý để bù lại chi phí đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hao phí lao động bỏ ra. Mức giá 50.000 đồng/năm/xe sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Qua khảo sát, lấy ý kiến của người dân về vấn đề này cho thấy có tới 93% người được phỏng vấn đồng ý với mức thu 50.000 đồng.
Ngoài ra, mức phạt tiền vi phạm về khí thải trong thời điểm đầu triển khai thí điểm trên địa bàn TP cũng đã được đề xuất cụ thể. Theo đó, lỗi phương tiện không kiểm định khí thải hoặc đi vào khu vực cấm xe không đạt chuẩn khí thải được đề nghị xem xét ở các mức phạt từ 300.000 - 600.000 đồng; Lỗi không mang giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe máy hoặc giấy kiểm định hết hạn sẽ có mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Xem xét thu hồi giấy phép lái xe, đăng ký xe cho những trường hợp phương tiện thực hiện kiểm tra lại không đạt quy định khí thải trong thời hạn 6 tháng.
Dự kiến nguồn phí thu được giai đoạn 2023 - 2024 là 348 tỉ đồng; giai đoạn từ 2025 trở đi, mỗi năm sẽ thu được 299 tỉ đồng, tổng thu đến năm 2030 là 2.142 tỉ đồng. Khoản chênh lệch gần 1.600 tỉ đồng sẽ nộp ngân sách, tái đầu tư đề án, các chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, thu hồi các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM sẽ ngưng hoàn toàn hoạt động của phương tiện cá nhân ở các quận trung tâm ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Thay thế bằng phương tiện gì ?
Vấn đề kiểm soát, loại bỏ xe máy cũ thực tế đã được Chính phủ và TP.HCM nêu ra từ cách đây nhiều thập niên. Từ năm 2012, Công an TP.HCM đã được UBND TP đồng ý cho nghiên cứu xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô 2, 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện). Tuy nhiên do vấp phải sự phản đối từ dư luận, dự thảo này chưa kịp lên giấy đã “chết yểu”.
Mặc dù được nhận định là “tác nhân” lớn nhất gây ô nhiễm môi trường và kẹt xe, nhưng xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu trong những năm tới, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại của người dân trong các TP. Do đó, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề nhạy cảm, phức tạp; rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến xe máy cứ “trình lên đặt xuống” rồi lại nằm yên trên giấy. Trong tất cả các đề án kiểm soát xe máy cũ hoặc hạn chế xe cá nhân, câu hỏi lớn nhất cũng là bài toán khó nhất mà cơ quan chức năng phải trả lời, đó là người dân sẽ di chuyển thay thế bằng phương tiện gì?
Theo đánh giá của Sở GTVT TP.HCM, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu chưa thể thay thế cho tới những năm 2030. Ở TP.HCM, hiện không có số liệu về lượng xe quá cũ mà người dân thường gọi là “xe mù, xe cà tàng”. Nhóm người sử dụng xe này thường có thu nhập thấp và sử dụng xe để chuyên chở hàng cồng kềnh. Họ không thể có chi phí để chuyển sang sử dụng xe tải cỡ nhỏ, còn với xe ba gác hiện nay cũng đang tiến tới loại bỏ khỏi hệ thống phương tiện giao thông đô thị. Nếu dùng mệnh lệnh hành chính là quy định niên hạn để “ép” người dân loại bỏ xe cũ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công việc, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Các chuyên gia xây dựng đề án cho rằng loại bỏ xe cũ, thay vào đó là các xe mới có mức phát thải thấp hơn cũng là một biện pháp. TP sẽ sử dụng công cụ kinh tế như hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới... để khuyến khích người dân loại bỏ xe cũ, mua phương tiện mới hoặc chuyển đổi phương thức, hình thức kinh doanh, sản xuất. Song song, thực hiện đề án tăng cường giao thông công cộng mà TP đã thông qua, đảm bảo vào giai đoạn 2025 - 2030, hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, cấm xe cũ lưu thông.