Tháng 10, năm 2020. Khi những cơn mưa như rách trời nước đổ, cùng lúc với nước triều các con sông ở Huế dâng cao khiến mảnh đất cố đô ngập tràn trong đói lạnh. Tin về đoàn quân 13 người đi cứu lũ đang mất tích ở thủy điện Rào Tranh (Thừa Thiên-Huế)  khiến lòng dạ người dân cả nước sôi lên từng giờ… Bà Mai Thị Hạnh, Phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (chúng tôi quen gọi là cô Tư), người thành lập nhóm từ thiện Chia Sẻ - Sharing, đã gửi lời nhắn tha thiết đến thành viên trong nhóm, trên Viber: “Bà con, chiến sĩ ở những vùng lũ lụt gặp nhiều khó khăn ấy đang cần sự cứu giúp của cả nước, nhóm mình cùng chung tay chia sẻ cơn ngặt này của bà con nhé các anh, chị, em…”.

1/ Và, chỉ sau 7 ngày chuẩn bị, với lời nhắn của cô Tư trên Group: “Cứu trợ thiên tai cần kịp thời và quà tặng phải hữu dụng …”, chị Nguyễn Thị Tranh, trưởng nhóm từ thiện và  nhiều thành viên trong nhóm, mỗi người mỗi việc, đã chung tay chuẩn bị hơn 30 tấn gạo, hàng ngàn chăn ấm, nhu yếu phẩm để tặng cho hơn 4.000 hộ vùng lũ lụt cùng hơn 1 tỉ tiền mặt trao tay cho bà con. Ước tính sau 7 ngày hưởng ứng lời kêu gọi của cô Tư, các thành viên trong nhóm đã đóng góp hơn 7 tỉ đồng.

Nhưng đó lại vẫn chưa phải là con số “chốt cuối”. Con số cuối cùng của chuyến vượt lũ, băng ngàn đến với bà con đang ngụp lặn dưới sóng nước của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế tháng 10/2020 của nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing là hơn 11 tỉ đồng.

  Những năm đầu, các anh chị em có tấm lòng nhân ái cùng với cô Tư thực hiện các hoạt động từ thiện, nhóm được gọi tên rất đơn giản là “nhóm Cô Tư”, rồi “nhóm từ thiện Bà Tư”..Đến 2019, với quy mô hoạt động từ thiện được mở rộng cả về số lượng chuyến đi, địa bàn cứu trợ và số người tham gia các chuyến đi có lần lên đến hơn 100 người; và, nhóm được gọi thành tên “ nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing”. Có những chuyến đi được chuẩn bị nhiều tháng, nhưng không thiếu những chuyến đi được tổ chức gấp rút như chuyến cứu lụt tháng 10/2020.

2/ Nhóm Chia sẻ -Sharing từ thời còn có tên gọi thân thương “nhóm từ thiện Cô Tư” đến nay đã có hàng trăm chuyến đi từ thiện từ Hà Giang, vùng cực Bắc Tổ quốc, trải dài qua nhiều địa phương đến tới Cà Mau, vùng cực Nam Tổ quốc. Những chuyến của 15 năm trước, các anh chị trong nhóm đã vượt qua những cung đường Trường Sơn, đường 9 Nam Lào, cung đường 14C còn được gọi đường mòn Hồ Chí Minh nhiều bất trắc để đến với nghĩa trang Trường Sơn, Cổ thành Quảng Trị, Cửa Việt cửa Tùng…để thực hiện các buổi lễ tưởng nhớ chiến sĩ trận vong, để thực hiện những căn nhà nghĩa tình cho các cựu binh, cựu TNXP thời chống Mỹ…Cái “thuở ban đầu” ấy của nhóm chỉ có chừng 20 anh chị em như chị Trần Thúy Nga (công ty địa ốc Kiến Á), chị Cao Ngọc Dung (công ty PNJ), chị Huỳnh Bích Ngọc (tập đoàn TTC), chị Đặng Thu Thủy, Đặng Thu Hà (ngân hàng ACB), chị Thanh Vân ( Công ty Tự Lực), vợ chồng anh Chiến - chị Tuyết, anh Quốc Anh và chị Thủy, chị Út Huệ, anh Khanh chị Yến, chị Phượng, em Xuân, Chị Bình, một người khá đặc biệt, một Việt kiều Thái Lan mà cả nhóm quen gọi bằng cách thân thương "Má Phương", nhà báo Thế Thanh (nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP), vợ chồng anh Tân chị Tranh..và người phụ nữ nhỏ bé làm cầu nối những tấm lòng thiện nguyện, người tổ chức các chuyến đi Bắc vào Nam, trong nhóm ngày xưa ấy là chị Nguyễn Thị Nhã, một doanh nhân ở quận 5. 

  “Cây nhân ái” cô Tư gieo mầm từ những năm xưa ấy, giờ đã nở hoa… 

 Những chuyến đi đến những vùng xa xôi, khó khăn nhất đất nước của nhóm từ thiện Chia Sẻ -Sharing, hơn hai năm qua được trao cho chị Nguyễn Thị Tranh, nguyên Phó Tổng giám đốc CO.OP-Mart, làm trưởng nhóm điều phối.

 3/ Người dân vùng lũ, dân nghèo các vùng xa, nghe nói sẽ được nhận quà của “Nhóm từ thiện Cô Tư” từ thành phố Hồ Chí Minh, nhưng họ không biết, trong số những người đang khiêng vác hàng hóa cứu trợ dưới mưa kia - ai là bà Mai Thị Hạnh, là Cô Tư ( phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang). Họ cũng không biết các sư thày đang vác những bao gạo 50 ký, những kiện hàng to trên vai vượt các con dốc vào bản ai là Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, ai là Trụ trì chùa Pháp Minh, ai là trụ trì chùa Long Hưng, trụ trì chùa Quan Âm… Thấp thoáng giữa trời nắng đổ hay mưa rào, những người áo nâu sòng kê vai vác những bao gạo 50kg, kéo những chiếc xe chở nhiều tấn hàng cứu trợ đi trong bão gió, vượt dốc cao như những “cửu vạn” chuyên nghiệp”. Các sư thày đang hành đạo âm thầm giữa đời thường còn nhiều khốn khó thật nhẹ nhàng…

    Những lần đến thăm gia đình ngư dân thiệt mạng giữa biển khơi khi bão tố ập đến bất ngờ, ông Tư (Nguyên chủ tịch Nước Trương Tấn Sang) xót xa trước sự an nguy của họ giữa biển khơi mênh mông... Và, những bộ áo phao cứu sinh giúp ngư dân có thể cầm cự trên biển 5 ngày, trong khi chờ cơ may cứu hộ được nhóm từ thiện Chia Sẻ tiến hành đặt hàng nghiên cứu và thực hiện... Đến nay, đã có 3.000 áo phao cứu sinh (trị giá 1,2 triệu/bộ) được  trao tặng cho ngư dân 3 tỉnh miền Trung và tặng cho chiến sĩ nhà giàn DK1.

   Trong chuyến đi tặng 500 áo phao cứu sinh tại 3 tỉnh duyên hải miền Trung, tôi hỏi, “Điều gì đã giữ cô gắn bó với hoạt động thiện nguyện này suốt 15 năm qua…?”, bà Mai Thị Hạnh đã cười rất hiền: “Sự đồng cảm và thiện tâm của anh chị em trong nhóm là chất keo nối kết nhóm với nhau suốt 15 năm qua. Em hỏi tôi, Nhóm mình đã làm được bao nhiêu nhà tình thương, xây được bao nhiêu cây cầu, giúp bao nhiêu hoàn cảnh cơ nhỡ…Tôi chịu thua. Và chắc anh chị em mạnh thường quân của nhóm cũng không trả lời ngay được…Vì chúng tôi không ghi chép lại tình thương đã trao đi …”.

4/ Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu thương bà con dân tộc nghèo vùng biên giới. Và, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, vùng biên giới  Việt – Trung ở Vị Xuyên, Thanh Thủy (Hà Giang) của quân và dân ta dù chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng những khó khăn trong cuộc mưu sinh vẫn còn đó..Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động xây dựng Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại cao điểm 468, và ông Tư, bà Tư đã cùng anh chị em trong nhóm từ thiện Chia Sẻ đã tự đóng góp để xây dựng 356 căn nhà tình nghĩa gia đình liệt sĩ, thương binh và cựu binh của Sư 356 đã chiến đấu bảo vệ cương thổ nước nhà những năm 84-89 ở Hà Giang.

  “ Bên cạnh chính sách An sinh  của Chính phủ; việc mở ra nhiều “kênh” để người chưa may mắn, khó ngặt có thể nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ những người có điều kiện tốt, những doanh nghiệp hảo tâm là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa…”, ông Tư chia sẻ suy nghĩ khi tham gia cùng nhóm Chia sẻ - Sharing trong buổi lễ tổng kết “Xây dựng 356 căn nhà tình nghĩa (70 triệu đồng/căn) cho các cựu binh đã chiến đấu và hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc”…

 

***

    Trước khi chia tay, sau chuyến đi cứu trợ cuối năm 2020, cô Tư cười nhân hậu, nói :“Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội là việc của nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước lo những chương trình an sinh tầm vĩ mô; còn chúng mình, làm thiện nguyện những việc phù hợp khả năng để chia sẻ khó khăn với những vùng quê nghèo, biên giới xa xôi và giúp người nghèo thoát ngặt . Những cây cầu, ngôi trường, mái ấm, quà tết… không chỉ là món quà vật chất mà ẩn chứa trong đó là tấm lòng  biết “sống vì mọi người” của những người thiện tâm cả nước…” .

Các thành viên của nhóm Chia sẻ - Sharing tại buổi trao áo phao cứu sinh cho ngư dân đánh bắt xa bờ tại Quảng Trị

      

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 3 từ phải sang) và phu nhân (thứ 2 từ trái sang) thăm hỏi gia đình cựu binh Sư 356 tại Hà Giang  

 

Bà Mai Thị Hạnh, người khởi lập nhóm từ thiện Chia sẻ, ghi nhận đề nghị của già làng người Vân Kiều tại khu cửa khẩu Lao Bảo Quảng Trị 

  

Thành viên nhóm Chia sẻ - Sharing trao tặng áo phao cứu sinh cho các hộ ngư dân xã Vĩnh Giang (Quảng Trị)

 

Thành viên nhóm từ thiện Sharing tặng quà cho AHLLVT người Vân Kiều - Thiếu tá Hồ Mơ.

Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi các cựu binh Sư 356 trong buổi lễ tổng kết trao nhà tình thương tại Hà Giang