Các khu đất trong bán kính 800 - 1.000 m dọc ga metro số 1 và vành đai 2 sẽ được TP.HCM quy hoạch lại để tạo quỹ đất và bán đấu giá tạo nguồn thu.
TP.HCM đang quy hoạch quỹ đất dọc tuyến metro và vành đai 2 để đấu giá /// Ảnh: Ngọc Dương
TP.HCM đang quy hoạch quỹ đất dọc tuyến metro và vành đai 2 để đấu giá
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
Ngày 27.2, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói TP.HCM tổ chức chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố với chủ đề Triển vọng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2021.
Bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cho biết TP.HCM sẽ quy hoạch các khu đất trong bán kính 800 - 1.000 m cạnh ga metro số 1 hoặc tuyến vành đai 2 ở TP.Thủ Đức làm gia tăng giá trị, khai thác quỹ đất này để thu lại kinh phí đã đầu tư cho dự án và tái đầu tư cho các dự án khác.
 
Các khu đất công trong khu vực này sẽ được đấu giá để doanh nghiệp tiếp cận một cách công bằng. Đối với khu dân cư ngoài 8 trọng điểm đổi mới sáng tạo, TP.HCM sẽ dành ngân sách để triển khai các dự án theo quy hoạch cải thiện chất lượng sống cho người dân.
TP.HCM: Quy hoạch đất dọc nhà ga metro số 1, vành đai 2 để đấu giá - ảnh 1

Bà Bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (thứ 2 từ phải qua), thông tin về định hướng phát triển TP.Thủ Đức và các chính sách đầu tư

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Bà Thu Anh thông tin, các khu công nghiệp và chế xuất lớn tại TP.Thủ Đức gồm: Linh Trung I, Linh Trung II, Bình Chiểu, Cát Lái… sẽ là quỹ đất quan trọng để thu hút sản xuất công nghệ cao và tạo ra các trung tâm việc làm quan trọng của thành phố trong tương lai; đồng thời đây cũng là quỹ đất dự trữ cho phát triển đô thị trong tương lai xa hơn.
Về chống ngập, TP.Thủ Đức được quy hoạch với tần suất 80% (5 năm mới ngập một lần). Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang xác định các không gian chứa nước, đưa quy định khoảng 20% diện tích mặt phủ tự nhiên sẽ là nơi thẩm thấu nước vào các dự án nhà ở nhằm giảm thiểu nguy cơ sụt lún.
 

Tìm nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết các chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số tổng hợp PAR Index của TP.HCM năm 2019 dù tăng điểm nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Qua khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về vốn bên cạnh các hỗ trợ về hành chính, môi trường đầu tư để ổn định sản xuất, giải quyết việc làm.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, cho hay năm 2021 sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển cho 2 nhóm đối tượng gồm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Về nguồn vốn, các quận, huyện chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp; đồng thời Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiếp nhận danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vốn từ các đơn vị đầu mối gửi đến để xử lý. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề để kết nối, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi, hợp lý.
 
Để cải thiện môi trường đầu tư, ông Tuấn cho biết UBND TP.HCM đã yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Nơi nào, lĩnh vực nào mà doanh nghiệp phản ánh, chờ đợi lâu, bị phiền hà, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hồ sơ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM", ông Tuấn thông tin.