LDO - Từ tháng 3.2021, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực lao động - tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, những chính sách đáng chú ý như danh mục nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; những trường hợp đại lý thuế bị đình chỉ kinh doanh...

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3.2021. Ảnh Hải Nguyễn
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3.2021. Ảnh Hải Nguyễn

1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Từ 1.3.2021, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành chính thức có hiệu lực.

Theo đó, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH đã quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chia thành 42 lĩnh vực khác nhau.

So với quy định trước đây, danh mục nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được bổ sung thêm số lượng đáng kể các nghề, công việc nhưng vẫn được chia theo từng lĩnh vực cụ thể và phân loại theo điều kiện lao động loại IV, V, VI.

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số

Từ 10.3.2021, Thông tư 02/2021/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ của cộng tác viên dân số do Bộ Y tế ban hành chính thức có hiệu lực.

Theo thông tư này, Cộng tác viên dân số là những người tình nguyện làm công tác dân số ở thôn. Cộng tác viên dân số phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như:

Có trình độ học vấn từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Ở những thôn khó khăn hoặc có đồng bào dân tộc ít người không chọn được người có đủ trình độ học vấn như trên thì chọn người hoàn thành chương trình tiểu học; được đào tạo, tập huấn về dân số theo nội dung chuyên môn do Bộ Y tế ban hành;

Đang sinh sống, làm việc ổn định tại thôn, nơi cộng tác viên dân số đảm nhiệm; tự nguyện tham gia làm cộng tác viên dân số; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, có khả năng vận động quần chúng và được cộng đồng tín nhiệm;

Ưu tiên những người đang làm công tác y tế thôn tham gia kiêm nhiệm cộng tác viên dân số;

Có đủ sức khỏe để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Đại lý thuế sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế trong trường hợp nào?

Từ 12.3, Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực.

Thông tư số 10/2021/TT-BTC quy định về việc tổ chức thi, điều kiện miễn môn thi; thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; việc cập nhật kiến thức của nhân viên đại lý thuế; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế theo quy định tại Điều 104, Điều 105 và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại Điều 150 Luật Quản lý thuế.

Đặc biệt, đại lý thuế sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế nếu thuộc 1 trong 5 trường hợp sau:

Không có ít nhất 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp trong 3 tháng liên tục;

Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế theo quy định;

Tiết lộ thông tin gây thiệt hại vật chất, tinh thần, uy tín của người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế (trừ trường hợp người nộp thuế đồng ý hoặc pháp luật có quy định);

Sử dụng, quản lý nhân viên đại lý thuế không đúng theo quy định tại Thông tư này;

Không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định từ 15 ngày trở lên so với thời hạn báo cáo hoặc thời hạn thông báo của cơ quan thuế;

Như vậy, điểm mới của Thông tư là: “Đại lý thuế sẽ bị đình chỉ kinh doanh làm thủ tục về thuế khi không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định từ 15 ngày trở lên so với thời hạn báo cáo hoặc thời hạn thông báo của cơ quan thuế”.

Thẩm quyền nâng lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng

Từ ngày 15.3.2021, Thông tư 12/2021/TT-BQP sửa đổi Thông tư 170/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền nâng lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng sẽ có hiệu lực.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quyết định việc nâng lương đối với: Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương từ 6,80 trở lên. Công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương từ 6,20 trở lên.

Tổng Tham mưu trưởng sẽ quyết định việc nâng lương đối với: Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số lương dưới 6,80 và công nhân và viên chức quốc phòng có hệ số lương dưới 6,20 thuộc Bộ Tổng Tham mưu và doanh nghiệp cổ phần trực thuộc Bộ Quốc phòng (Thông tư 170/2016/TT-BQP hiện không quy định nội dung này).