UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để triển khai cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng trên địa bàn TP (gọi tắt là xe buýt mini). Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai loại hình xe buýt mini là cần thiết và nên đầu tư theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Đáp ứng nhu cầu
Lý giải về việc triển khai hệ thống xe buýt nhỏ từ 12 đến dưới 17 chỗ, UBND TPHCM cho rằng: Việc sử dụng xe mô tô và ô tô cá nhân làm phương tiện chủ yếu để đi lại là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. UBND TP đã xây dựng Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn nhằm kiểm soát và hạn chế dần việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình phù hợp đến năm 2030.
Mục tiêu của TP đến năm 2025 là phục vụ được 15%, đến năm 2030 phục vụ được 25% nhu cầu giao thông đô thị. Đồng thời, cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ. Hành khách gặp khó khăn trong việc tiếp cận mạng lưới xe buýt (xe buýt hiện nay chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường có bề rộng tối thiểu trên 10m, chiếm 41,81% mạng lưới đường bộ) là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người dân chưa lựa chọn xe buýt.
Do đó, cần thiết mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ VTHKCC nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân thông qua cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe buýt nhỏ kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, kết nối với các phương thức vận tải khác; tăng cường an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), phân tích: Ở TPHCM, đường có bề rộng dưới 7m chiếm khoảng 60% nên xe buýt thường không thể lưu thông. Vì vậy, việc TP đề xuất xe buýt mini chạy trên các tuyến đường bề rộng dưới 7m, đường nội bộ ô bàn cờ và nối kết trung chuyển dân cư từ các hẻm nhỏ ra hệ thống xe buýt lớn và tàu điện ngầm sau này là rất cần thiết.
Là doanh nghiệp thí điểm mô hình vận chuyển hành khách bằng xe buýt mini, ông Tô Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Busgo, cho biết, hiện nay công ty đang triển khai 20 tuyến, loại xe 16 chỗ, phục vụ vận chuyển cư dân ở chung cư khu vực quận 7, TP Thủ Đức đi làm việc ở trung tâm TP. Sau này, nếu được chấp thuận, công ty sẽ mở rộng triển khai đưa đón hành khách đến khu vực ga tàu, bến xe, sân bay, kết nối với hệ thống giao thông công cộng lớn như metro.
“Theo quy hoạch, TP sẽ hình thành các khu đô thị ở xa trung tâm nhưng chưa có hệ thống giao thông công cộng kết nối; trong khi xe buýt công cộng giá vé thấp và không phù hợp với đối tượng người làm việc ở các văn phòng. Nhu cầu của người dân đi lại bằng xe buýt nhỏ nhiều nên việc triển khai xe buýt mini trên địa bàn TP là phù hợp”, ông Tùng nói.
Nên xã hội hóa đầu tư
Theo UBND TPHCM, trên địa bàn TP hiện có 4.938 tuyến đường. Trong đó, khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m (55,52%) và 1.488 tuyến đường có lòng đường từ 7m trở lên (44,48%). Theo thống kê năm 2020, tốc độ lưu thông khu vực trung tâm TP trung bình khoảng 30km/giờ, giờ thấp điểm 41,91km/giờ, giờ cao điểm khoảng 20,82km/giờ.
Ngoài ra, theo kế hoạch giai đoạn năm 2021-2022, TP dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới.
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM), nếu được Chính phủ cho phép triển khai loại hình xe buýt mini thì TP sẽ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Còn theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, về hình thức đầu tư, có thể Nhà nước đầu tư hoặc tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, cần có hội đồng thẩm định, nếu dự án của bên nào tốt thì bên đó đầu tư. Nhà nước đầu tư có lợi thế là đang kiểm soát hệ thống xe buýt nên đầu tư sẽ dễ; còn tư nhân chưa biết về vấn đề kiểm soát xe buýt có thể gặp khó khăn về kêu gọi đầu tư. Nếu thực hiện mô hình xã hội hóa sẽ giúp giảm ngân sách cho Nhà nước nhưng phải đi theo đúng định hướng phát triển của TP.
Đại diện Công ty TNHH Busgo cho biết, hiện nay, công ty đang nghiên cứu thử nghiệm và chờ chủ trương của TP. Nếu được TP chấp thuận cho phép triển khai thực hiện thì sẽ không xin trợ giá từ ngân sách, doanh nghiệp tự đầu tư phương tiện và thu theo giá vé được cơ quan chức năng phê duyệt.