Lãnh đạo TP HCM thống nhất mở đợt cao điểm xử lý ô nhiễm tiếng ồn với mục tiêu đến cuối năm 2021 không xảy ra vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư
Sáng 9-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP. Hàng loạt vấn đề được "mổ xẻ" và hàng loạt giải pháp được đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện đề xuất để trị nạn ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn TP.
Các sở, ngành đề xuất gì?
Với tư cách là đơn vị thường trực xử lý ô nhiễm tiếng ồn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ đã đưa nhiều giải pháp. Theo đó, Sở TN-MT tiếp tục kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình theo hướng: tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn và không quy định thời gian vi phạm về tiếng ồn. Bởi hiện nay, mức phạt tiền theo Nghị định 167 thấp, chỉ từ 100.000 đến 300.000 đồng nên không đủ sức răn đe và chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau. Ðồng thời, kiến nghị Bộ TN-MT hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo hướng bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã: bổ sung xử phạt nhóm hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư; sửa đổi quy định về đo độ ồn nền và đo tần suất ồn...
Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, Sở TN-MT đã đề xuất những giải pháp làm ngay và được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động người dân tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư. Việc này phải được triển khai thống nhất và đồng loạt trên toàn địa bàn TP với sự tham gia của các hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền và các tổ chức chính trị - đoàn thể. Giai đoạn 2 là tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện, xã; trưởng công an xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên nếu để tái vi phạm các điểm, khu vực gây ồn.
Nói về tác hại của tiếng ồn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng dẫn chứng một thống kê cho thấy những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn người bình thường. Dễ nhận thấy nhất là tiếng ồn ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân. Từ bức xúc đó có thể dẫn đến cự cãi, thậm chí xô xát, án mạng xảy ra. Về lâu dài, tiếng ồn ảnh hưởng đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi. Ông Hưng đề xuất tăng cường nhắc nhở người dân qua nhiều cách; công bố đường dây nóng để người dân có đầu mối khi cần phản ánh. Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đề xuất khi việc xử phạt bằng luật còn gặp khó thì địa phương vận dụng hương ước, vận động người dân ký cam kết. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát khu vực thường xuyên nhắc nhở thì người dân sẽ tuân thủ ngay.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Trần Thế Thuận cho rằng việc đưa vào quy ước, hương ước, sở này đã làm nhưng không có hiệu quả. "Ở cơ sở, có 90% hộ gia đình văn hóa và trên 90% khu dân cư văn hóa. Trong các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa chưa nhận diện việc gây tiếng ồn. Do đó, ngành văn hóa sẽ xem lại, đưa vấn đề tiếng ồn khi xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa" - ông Nguyễn Thế Thuận nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan kết luận các giải pháp trị tiếng ồn tại cuộc họp ngày 9-3
Chia 2 giai đoạn để xử lý
Phát biểu kết thúc buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định TP tập trung xử lý ô nhiễm tiếng ồn. Để kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, được hưởng thụ văn hóa ở nhiều góc độ khác nhau thì dứt khoát cũng phải tìm cách để xử lý cho bằng được những vấn đề tác động làm giảm chất lượng sống của người dân, trong đó có tiếng ồn. "Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh, được làm ăn hợp pháp nhưng dứt khoát không chấp nhận hành vi từ kinh doanh, mua bán mà tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh" - ông Võ Văn Hoan nói rõ.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết TP đặt mục tiêu số 1 là tuyên truyền bởi nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng của hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong hoạt động ca hát. Song song đó, TP sẽ triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, với mỗi loại hình vi phạm sẽ áp dụng một nghị định khác nhau để xử lý. Ðặc biệt, ông Võ Văn Hoan thông tin lãnh đạo TP thống nhất chủ trương mở đợt cao điểm xử lý ô nhiễm tiếng ồn từ nay đến cuối năm, có thể gọi là "vấn đề tiếng ồn và hành động của chúng ta". Mục tiêu là xử lý triệt để và bảo đảm đến cuối năm 2021 không xảy ra việc vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư. Sau đợt cao điểm, TP sẽ sơ kết đánh giá và tiếp tục triển khai, bổ sung vào các quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đợt cao điểm sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến tháng 5-2021, tập trung tuyên truyền, vận động người dân cam kết, kiểm tra, nhắc nhở, biên tập lại tài liệu về ô nhiễm tiếng ồn để phổ biến cho người dân. Ở giai đoạn này, chưa xử lý vi phạm hành chính mà chủ yếu để người dân ý thức hơn. Giai đoạn 2 từ tháng 6 đến hết năm 2021, TP tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định có thể áp dụng 4 nghị định để xử phạt. Nghĩa là ngoài Nghị định 155, Nghị định 167, có thể áp dụng Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu ca hát mà để xe ở lòng đường thì có thể kiểm tra, xử lý. Cuối cùng là Nghị định 98 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Ông Võ Văn Hoan nói việc xử lý vi phạm này không khó nhưng phải có quyết tâm. "Quy định có hết rồi, quan trọng là sự phối hợp và không được lấy lý do thiếu người hay thiết bị đo nữa. Chính quyền phải xử lý nghiêm vì cái chung" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bà NGUYỄN THỊ THANH MỸ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP HCM cho biết: "Trong năm 2019 và 2020, TP HCM đã xử lý 141 trường hợp vi phạm về tiếng ồn với số tiền hơn 800 triệu đồng. Tuy nhiên, trong 141 trường hợp trên chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 triệu đồng".