Về thực hư tài chữa bệnh câm, điếc của 'thần y' Võ Hoàng Yên, các chuyên gia đông, tây y nói gì ?

Ông Võ Hoàng Yên ký vào biên bản về việc vi phạm khám chữa bệnh không phép tại H.Cái Nước (Cà Mau) ngày 26.5.2011   /// Ảnh: Gia Bách
Ông Võ Hoàng Yên ký vào biên bản về việc vi phạm khám chữa bệnh không phép tại H.Cái Nước (Cà Mau) ngày 26.5.2011
ẢNH: GIA BÁCH
 

Về những quảng cáo, giới thiệu ông Võ Hoàng Yên (46 tuổi) được cho là có thể chữa khỏi bệnh câm, điếc, Thanh Niên ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đông, tây y về vấn đề này.

Đông y không điều trị được điếc bẩm sinh

TS-BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM, cho biết điếc bẩm sinh thì sẽ không nghe và không nói được. Muốn chẩn đoán thì phải đo tai, làm các test về thính học xác định là nghe kém hay không nghe. Nếu test thính học xác định nghe kém sâu trên 90 decibel (dB) thì chỉ có cách cấy ốc tai điện tử. Nếu nghe kém từ 40 - 60 dB thì sử dụng máy nghe. Còn những người điếc đột ngột có 4 nguyên nhân, mà nguyên nhân phổ biến nhất là do co thắt mạch máu và điều trị bằng thuốc giãn mạch, kháng viêm... từ 5 - 10 ngày tùy diễn biến bệnh.
Năm 2011, ông Võ Hoàng Yên có đến Bình Phước khám, chữa bệnh cho vài người rồi sau đó không quay lại. Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Quốc Chính (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Bình Phước) cho hay ông Yên chữa thì bệnh nhân có thuyên giảm, nhưng một thời gian sau bệnh lại trở về tình trạng như cũ.  
TS-BS Minh cũng khẳng định không có phương pháp đông y nào điều trị được điếc bẩm sinh. “Nhiều năm qua tôi chưa thấy bệnh nhân điếc bẩm sinh nào được điều trị khỏi bằng đông y”, TS-BS Minh nói.
Còn theo GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM), có nhiều loại điếc, điếc bẩm sinh, điếc người lớn. Mỗi loại điếc cần một quy trình điều trị khác nhau. Về khoa học, việc “gõ gõ, tát tát” bệnh nhân là không thể nào có kết quả được với điếc bẩm sinh, điếc do bệnh lý, điếc đột ngột... Nên về khía cạnh khoa học là không ủng hộ việc chữa bệnh điếc như vậy.
“Người điếc thường không nói chuyện được, trừ khi điếc sau khi có tiếng nói (tức biết nói rồi nhưng nghe kém do nhiều nguyên nhân), nhưng lúc đó ngay cả người khác cũng khó xác định được người đó bị điếc thật hay không bị điếc. Do đó, với những trang thiết bị đo thính giác hiện nay thì có thể đánh giá được mức độ điếc rõ ràng. Người bệnh muốn xác định mình có điếc hay không thì nên đến bệnh viện chuyên khoa để xác định. Nếu thật sự điếc thì bác sĩ sẽ đánh giá, hướng dẫn điều trị. Không nên tự mình đi tìm những phương pháp điều trị không hợp khoa học”, GS-TS Ngọc Dung khuyến cáo.
 

Dùng “chiêu trò”

Ở góc độ đông y, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc (TP.HCM), cho rằng trong đông y, nếu muốn chữa điếc thì phải khám, tìm nguyên nhân chứ không phải điếc nào đông y cũng chữa trị được. Như thủng màng nhĩ thì đông y không chữa được mà phải đi đến bác sĩ tây y để vá. Điếc bẩm sinh thì đông y không chữa được. Điếc do bị thương ở tai, xương tai có vấn đề thì tây y mổ xếp xương, may vá lại. Nhưng điếc do cơ năng như do máu lưu thông không tốt tai bị ù, nghe kém, thận yếu khiến tai ù điếc, điếc tai ở người già... thì đông y có thể chữa được.
TS-BS Ngọc Lan cũng cho biết, với những ca điếc không rõ nguyên nhân thì chịu thua.
TS-BS Ngọc Lan nói thêm, trong lĩnh vực chữa trị tai biến, liệt thì đông y có các công trình nghiên cứu và phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, việc điều trị, tư vấn phải dè dặt chứ không phải tuyên bố là chữa trị khỏi.
TS-BS Ngọc Lan khuyến cáo, có những người hành nghề đông y không đàng hoàng, hay sử dụng “chiêu trò” lâu lâu đưa ra 1 ca lâm sàng để quảng cáo, nhưng 1 ca thường là “ăn may”. Tây y thì không đồng ý như vậy mà đòi hỏi phải qua nghiên cứu nhiều người, nếu chữa hết số người đó thì mới có hiệu quả, còn không thì không có hiệu quả. Giống như một số vị hành nghề đông y quảng cáo chữa ung thư, có ca “hên” thì được cứu sống, còn có những ca không qua khỏi nên họ không nói được gì. Ngành y là y học bằng chứng, một số lương y không theo kiểu chính thống như tây y, nên mọi thứ được khuếch đại, không có bằng chứng khoa học nào nói việc chữa bệnh có hiệu quả.